Tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ quyền hạn là 02 tội danh phổ biến thuộc nhóm các tội phạm tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Tội tham ô tài sản được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lí với giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã gây hậu quả nghiêm trọng. Còn tội làm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
Căn cứ pháp lý của tội tham ô và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là "Bộ luật Hình sự") quy định về tội tham ô và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau:
Tội tham ô tài sản:
"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; (b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Có tổ chức; (b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; (c) Phạm tội 02 lần trở lên; (d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; (e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng357 đến dưới 3.000.000.000 đồng; (g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; (b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; (c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; (b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này."
Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
"1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm: (a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; (b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm: (a) Có tổ chức; (b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; (c) Phạm tội 02 lần trở lên; (d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng359 đến dưới 3.000.000.000 đồng; (e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; (b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; (c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động; (d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; (b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Điểm giống nhau của tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
(i) Khách thể của tội phạm: Hai tội phạm này đều xâm phạm đến quan hệ sở hữu, sự hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.
(ii) Mặt khách quan của tội phạm: Tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đều có hành vi chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, cả hai tội đều có cấu thành vật chất, nghĩa là mặt khách quan của tội phạm phải đủ cả 03 dấu hiệu: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
(iii) Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của cả hai tội phạm này đều là chủ thể đặc biệt, phải là người có chức vụ, quyền hạn mới có thể là chủ thể của hai tội phạm này. Đối với người không có chức vụ, quyền hạn cũng có thể trở thành chủ thể của hai tội phạm này với vai trò đồng phạm.
(iv) Mặt chủ quan của tội phạm: Tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đều thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Cả hai tội phạm này đều có động cơ vụ lợi và có mục đích chiếm đoạt tài sản.
Điểm khác nhau giữa tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
(i) Về đối tượng tác động của hành vi: Đối tượng của tội tham ô tài sản phải là tài sản đang do người phạm tội quản lý một cách hợp pháp (do chức vụ đem lại); và là tài sản của Nhà nước. Còn đối tượng của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là tài sản của người khác, đó có thể là tài sản của Nhà nước.
(ii) Về hành vi khách quan: Hành vi thuộc mặt khách quan của tội tham ô tài sản là hành vi của người phạm tội sử dụng chức vụ như một phương tiện để biến tài sản mình được giao quản lý thành tài sản cá nhân như: sử dụng quyền hạn thực hiện không đúng chức trách hoặc làm trái chế độ quản lí tài sản với mục đích chiếm đoạt tài sản; hoặc sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn cho phép nhưng có liên quan đến cương vị công tác với mục đích chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, hành vi khách quan của tội lam dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoat tài sản là hành vi người phạm tội sử dụng chức vụ như một phương tiện để làm một việc vượt ra ngoài trách nhiệm được giao nhằm chiếm đoạt tài sản như: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp tinh thần chủ tài sản buộc họ giao tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối người khác nhằm chiếm đoạt tài sản; hoặc lạm dụng tín nhiệm của chủ tài sản dựa vào chức vụ, quyền hạn nhằm chiếm đoạt tài sản.
Phạm vi hành nghề của luật sư trong lĩnh vực hình sự:
(i) Dịch vụ tranh tụng: Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo) và người bị tố giác (tố cáo); người bị tạm giữ, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; bị can, bị cáo trong toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại cơ quan tiến hành tố tụng các cấp;
Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc người đại diện cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;
(ii) Tư vấn pháp luật: Hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của khách hàng trong lĩnh vực hình sự.Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực pháp lý có liên quan đến lĩnh vực hình sự: hành chính, dân sự, hôn nhân, gia đình, đầu tư, doanh nghiệp, lao động, tài chính, kế toán… và nhiều lĩnh vực khác.
(iii) Đại diện theo ủy quyền: Trong lĩnh vực hình sự, luật sư có thể đại diện cho khách hàng ngoài tố tụng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
(iv) Dịch vụ pháp lý khác: Liên quan tới lĩnh vực hình sự, luật sư giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc về thủ tục hành chính, tư pháp; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại, dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch; giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định.
Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng chi nhánh Quảng Ninh của Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận