Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt người làm con tin nhằm buộc người khác phải nộp cho mình một khoản tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt.
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Tuy nhiên trong một số trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản thuộc trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân. Thông thường tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt, người bị bắt cóc là người bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự; còn người bị xâm phạm tài sản lại là những người thân của người bị bắt cóc. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bị bắt cóc đồng thời là người bị xâm phạm tài sản.
3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Bắt cóc là hành vi bắt người trái pháp luật. Thông thường hành vi bắt người làm con tin được thực hiện một cách lén lút và đưa người bị bắt đến một nơi nào đó rồi tìm cách thông báo cho người thân của người bị bắt cóc biết, cùng với yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền thì mới thả người bị bắt cóc, nếu không nộp tiền hoặc tài sản thì người bị bắt cóc sẽ bị nguy hiểm đén tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm.
Hành vi bắt người trái pháp luật được thực hiên bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác như cho uống thuốc ngủ, thuốc mê, xịt ête, lừa dối... để bắt được người làm con tin. Thủ đoạn bắt cóc không phải là đấu hiệu đặc trưng của hành vi phạm tội (không có ý nghĩa trong việc định tội), nhưng hành vi bắt cóc người làm con tin lại là đặc trưng cơ bản của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ bắt người làm con tin chính là một thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài hành vi bắt cóc người làm con tin, người phạm tội còn có hành vi đe doạ người khác ( cơ quan, tổ chức hoặc người thân của con tin ) nếu không giao nộp tiền hoặc tài sản thì con tin sẽ bị giết, bị đánh đập, hành hạ... Hành vi đe doạ người khác cũng có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như: gọi điện thoại, viết thư, nhắn tin qua người khác hoặc trực tiếp gặp người thân của con tin...
b. Hậu quả
Hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi bắt cóc người làm con tin là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả thì tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn hoặc là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt.
4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Nếu hành vi bắt cóc người làm con tin lại nhằm một mục đích khác mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác.
Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có thể có trước khi thực hiện hành vi bắt cóc, nhưng cũng có thể xuất hiện trong hoặc sau khi đã thực hiện hành vi bắt cóc người làm con tin.
Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội danh. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận