Thời hạn quyết định việc truy tố được quy định tại Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Căn cứ pháp lý của thời hạn quyết định việc truy tố
Bình luận thời hạn quyết định việc truy tố
1. Thời hạn quyết định truy tố là khoảng thời gian kể từ khi Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án hình sự do cơ quan điều tra, hoặc các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển đến có bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, cho đến khi Viện kiểm sát đưa ra một trong các quyết định truy tố, hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.Quy định thời hạn quyết định truy tố, nhà làm luật nhằm buộc các cơ quan Viện kiểm sát phải tiến hành nhanh chóng việc nghiên cứu hồ sơ vụ án được chuyển đến và đưa ra quyết định trong một thời hạn nhất định sớm nhất, nhằm khắc phục tình trạng tồn đọng án dẫn đến vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống tư pháp hình sự.
Điều luật quy định hai loại thời hạn trên cơ sở phân loại tội phạm tại Điều 8 của Bộ luật Hình sự. Do tính chất của vụ án hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng có phần ít phức tạp hơn so với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, cho nên nhu cầu về thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng cũng ngắn hơn. Xuất phát từ đó, nhà làm luật quy định đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, thời hạn quyết định truy tố là hai mươi ngày; còn đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn quyết định truy tố là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra.
2. Điều luật quy định, sau khi nhận và nghiên cứu hồ sơ vụ án, bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây: (a) Truy tố bị can trước Toà án bằng bản cáo trạng; (b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; (c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Quyết định truy tố bị can trước Toà án bằng bản cáo trạng là quyết định của Viện kiểm sát khi xét thấy hồ sơ vụ án thể hiện quá trình điều tra được tiến hành một cách chặt chẽ, đúng quy định của Bộ luật hình sự, quá trình tổ chức tiến hành các hoạt động điều tra và các trình tự, thủ tục tố tụng phản ánh trong hồ sơ tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, đồng thời bản kết luận điều tra được lập đúng pháp luật, có căn cứ pháp lý vững chắc, đầy đủ chứng cứ chứng minh tội phạm.
Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là quyết định của Viện kiểm sát trong trường hợp, hồ sơ vụ án phản ánh quá trình điều tra chưa đầy đủ, chưa toàn diện, có những sai lầm về thủ tục tố tụng hoặc thiếu sót trong quá trình điều tra nên thiếu chứng cứ chứng minh những tình tiết quan trọng trong vụ án, có những hành vi hoặc người đồng phạm chưa được làm sáng tỏ, có căn cứ khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc người đồng phạm khác thì Viện kiểm sát trả lại hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung.
Đình chỉ vụ án là quyết định của Viện kiểm sát sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, căn cứ vào Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự thấy rằng có những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157của Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91của Bộ luật hình sự.
Tạm đình chỉ vụ án là quyết định của Viện kiểm sát trong các trường hợp: (a) Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ vụ án trước khi hết thời hạn quyết định việc truy tố; (b) Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này; (c) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp mà chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp tiếp tục tiến hành cho đến khi có kết quả.
3. Điều luật quy định, trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra một trong những quyết định nêu trên, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
5. Các quyết định: truy tố bị can, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định đó nếu thấy không có căn cứ hoặc trái pháp luật và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định đúng pháp luật..
Việc cho phép áp dụng hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn ở giai đoạn này, đặc biệt là sau khi Viện kiểm sát đã nghiên cứu hồ sơ là nhằm nhanh chóng khắc phục những sai lầm có thể có trong những giai đoạn trước đó có thể gây tổn hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của bị can (trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn quá nghiêm khắc không phù hợp với tính chất vụ án và không có đủ những căn cứ áp dụng) hoặc cũng có thể nhằm ngăn chặn sự bỏ trốn của bị can (khi mà tình tiết của vụ án đã sáng tỏ, những thủ đoạn che giấu của bị can đã bị bóc trần và bị can có thể nhận ra khả năng bị áp dụng một hình phạt thích đáng). Tuy nhiên, thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam không được quá hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
6. Trường hợp Viện kiểm sát quyết định truy tố thì trong thời hạn24 giờ kể từ khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát phải giao quyết định cho bị can hoặc người đại diện của họ; gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Tòa án.
7. Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.
Phạm vi hành nghề của luật sư trong lĩnh vực hình sự:
Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc người đại diện cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;
- Giới thiệu về Công ty Luật TNHH Everest
- Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
- Hoạt động vì cộng đồng của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận