Thực trạng và diễn biến của tội phạm là hai nội dung của tình hình tội phạm, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. I. Thực trạng của tội phạm
Thực trạng củạ tội phạm là tình trạng thực tế của tội phạm đã xảy ra trong đơn vị không gian và thời gian nhất định xét về mức độ và về tính chất.
1) Thực trạng của tội phạm xét về mức độ được phản ánh qua các thông số: Tổng các tội phạm đã xảy ra và tổng những người đã phạm các tội đó trong đơn vị không gian và đơn vị thời gian xác định.
2) Thực trạng của tội phạm xét về tính chất: Đây là đặc điểm thứ hai của thực trạng của tội phạm. Đặc điểm này được nghiên cứu trên cơ sở nghiên cứu các cơ cấu của tội phạm.
II. Diễn biến của tội phạm
Diễn biến của tội phạm là sự thay đổi thực trạng của tội phạm xét về mức độ và về tính chất theo thời gian, trong đơn vị thời gian xác định.
Diễn biến của tội phạm là một trong những nội dung của tình hình tội phạm mà việc phân tích nội dung này cho phép dự đoán xu hướng vận động của tội phạm trong thời gian tiếp theo.
Hiện nay, khi nói đến diễn biến của tội phạm các tác giả nghiên cứu thường chỉ đề cập sự diễn biến về mức độ. Theo đó, các số liệu được dùng để đánh giá diễn biến chỉ được bó hẹp trong hai loại số liệu là số liệu về tổng tội phạm đã xảy ra và tổng người phạm tội đã thực hiện các tội phạm đã xảy ra đó. Đánh giá về diễn biến của tội phạm như vậy mới chỉ là đánh giá của tội phạm xét về mức độ.
Đánh giá này chưa phản ánh được đầy đủ sự thay đổi của tội phạm vì chưa đánh giá được sự thay đổi của tội phạm xét về tính chất. Để đánh giá được đúng sự vận động của tội phạm xét về tính nghiêm trọng cần phải xét cả hai sự vận động - vận động của tội phạm xét về mức độ và vận động của tội phạm xét về tính chất.
III. Mối quan hệ giữa thực trạng và diễn biến của tội phạm
Để đánh giá diễn biến của tội phạm người nghiên cứu phải dựa trên các kết quả thu được về thực trạng của tội phạm theo từng năm trong đơn vị thời gian nghiên cứu.
Kết quả phản ánh thực trạng của tội phạm ở năm thứ nhất của đơn vị thời gian nghiên cứu được coi là kết quả gốc. Kết quả thu được về thực trạng của tội phạm trong các năm tiếp theo được đối chiếu với kết quả gốc và với kết quả của năm trước đó. Kết quả so sánh cho phép người nghiên cứu khẳng định xu hướng vận động và mức độ vận động của tội phạm trong đơn vị thời gian nghiên cứu (5 năm, 10 năm hoặc một đơn vị thời gian nhất định khác).
Xét về mức độ, đó có thế là: tương đối ổn định, có xu hướng tăng, cớ xu hướng giảm hoặc trong tình trạng dao động khi tăng khi giảm. Xét về tính chất, có thể có các nhận xét về sự ổn định hay thay đổi của tính nghiêm trọng nói chung hay của tính nghiêm trọng ở một khía cạnh cụ thể như khía cạnh tái phạm, khía cạnh chủ thể là người chưa thành niên hay khía cạnh mức độ; tính chất của hậu quả của tội phạm V.V..
Nghiên cứu diễn biến của tội phạm đòi hỏi trước hết là so sánh các số liệu phản ánh thực trạng của tội phạm xét về mức độ (đặc điểm định lượng). Đó là so sánh số tổng tội phạm và số tổng người phạm tội của từng năm so với năm gốc (năm đầu của đơn vị thời gian nghiên cứu) và so với năm trước đó. Qua so sánh cần rút ra được xu hướng vận động (ổn định, tăng hoặc giảm) và mức độ vận động (tốc độ tăng hoặc giảm).
Nghiên cứu diễn biến của tội phạm, ngoài việc đánh giá xu hướng vận động của tội phạm xét về đặc điểm định lượng còn đòi hỏi phải so sánh các số liệu phản ánh thực trạng của tội phạm xét về tính chất (đặc điếm định tính). Khi nghiên cứu diễn biến của tội phạm xét về đặc điểm định tính, người nghiên cứu phải dự kiến các loại số liệu phản ánh thực trạng của tội phạm xét về tính chất cần được so sánh - so sánh để thấy được xu hướng vận động.
Đó có thể là các số liệu hàng năm trong phạm vi nghiên cứu về loại tội (tỉ lệ tội cố ý; tỉ lệ tội đặc biệt nghiêm trọng; rất nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng), về hình thức phạm tội (tỉ lệ vụ phạm tội với hình thức đồng phạm và đồng phạm có tổ chức), về công cụ, phương tiện phạm tội (tỉ lệ các vụ phạm tội có sử dụng vũ khí, vũ khí nóng V.V.), về thủ đoạn phạm tội (tỉ lệ vụ phạm tội có lợi dụng chức vụ, quyền hạn V.V.), về động cơ phạm tội (tỉ lệ vụ phạm tội có động cơ tư lợi, v.v.), về nạn nhân (tỉ lệ nạn nhân là trẻ em, là người chưa thành niên V.V.), V.V..đánh giá xu hướng vận động cùa tội phạm xét về tính chất.
Bình luận