Tội bức cung là hành vi sử dụng các thủ đoạn trái pháp luật của người tiến hành điều tra, truy tố, xét xử buộc người bị thẩm vấn khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội bức cung như sau: “1. Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198
Như vậy, tội bức cung là hành vi sử dụng các thủ đoạn trái pháp luật của người tiến hành điều tra, truy tố, xét xử buộc người bị thẩm vấn khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Tội bức cung có cấu thành tội phạm như sau:
1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm này xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của cơ quan tư pháp, xâm phạm đến quyền được tôn trọng, và bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân.
2. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu về độ tuổi (từ đủ 16 tuổi trở lên) và năng lực trách nhiệm hình sự, người phạm tội của chủ thể này phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử.
3. Mặt khách quan của tội phạm
- Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi bức cung, dùng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị thẩm vấn phải khai ra sự thật. Người bị thẩm vấn ở đây có thể là bị can, bị cáo hoặc người làm chứng hoặc người bị hại. Người phạm tội đã dùng những thủ đoạn khác nhau tác động đến ý chí của những người này để buộc họ phải khai không đúng với sự thật và trái với ý muốn của họ. Thủ đoạn mà người phạm tội có thể dùng để cưỡng ép người bị thẩm vấn khai sai sự thật có thể là: đe doạ sẽ dùng nhục hình; đe doạ sẽ xử nặng; đe doạ sẽ bắt giam, xét xử người thân thích như vợ, con,….
- Hậu quả của hành vi nói trên đó là dẫn tới người bị thẩm vấn đã khai sai và do vậy gây hậu quả nghiêm trọng cho việc giải quyết vụ án. Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là hậu quả xử sai một cách nghiêm trọng (oan hoặc bỏ lọt, xử phạt quá nặng hoặc xử phạt quá nhẹ…) hoặc có thể bắt giam người sai…
Hành vi bức cung chỉ cấu thành tội phạm khi có các điều kiện : hành vi đó trái pháp luật và được thực hiện trong tố tụng hình sự; và hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng.
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
Động cơ, mục đích của người phạm tội không phải là yếu tố cấu thành tội phạm nhưng có thể được xem xét khi quyết định hình phạt.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận