Tội chiếm giữ tài sản trái phép được pháp luật quy định thế nào?

Một người có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Căn cứ pháp lý của tội chiếm giữ trái phép tài sản

Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là "Bộ luật Hình sự") như sau:

Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng101 hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là102 di vật, cổ vật103 bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Các yếu tố cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản

(i) Chủ thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản

Đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản, chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với tội xâm phạm sở hữu khác. Tuy nhiên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này có hai khoản nhưng không có trường hợp nào quy định là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

(ii) Khách thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản

Khách thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội chiếm giữ trái phép tài sản, không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội có tính chất chiếm đoạt như cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm giữ được tài sản, người phạm tội bị đòi lại tài sản mà có hành vi dũng vũ lực, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

(iii) Mặt khách quan của tội chiếm giữ trái phép tài sản

Hành vi khách quan:Trước hết, người phạm tội có được tài sản là do bị giao nhầm, do mình tìm được hoặc bắt được (nhặt được).

Trong trường hợp bị giao nhầm, cần xác định người phạm tội hoàn toàn không có thủ đoạn nào để bên giao tài sản tưởng nhầm mà giao tài sản cho mình, nếu người phạm tội có thủ đoạn gian dối để bên giao tài sản nhầm mà giao tài sản cho mình thì không phải là bị giao nhầm mà là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp tìm được tài sản, trong một số trường hợp cần xác định tài sản mà người phạm tội tìm được là việc tìm kiếm trái phép, nếu việc tìm kiếm đó được phép hoặc Nhà nước không cấm thì tài sản tìm được thuộc quyền sở hữu của người tìm được. Ví dụ: Đào được vàng trong bãi đào vàng Nhà nước không quản lý hoặc người đào vàng đã được cấp giấy phép.

Bắt được (nhặt được) tài sản là trường hợp nhặt được của rơi, theo quan điểm truyền thống đạo đức thì nhặt được của rơi nên trả lại cho người bị mất là người thật thà, được xã hội coi đó là hành vi đẹp. Tuy nhiên bên cạnh đó lại có nhiều người theo quan điểm “cá vào ao ai người đó được” nên mỗi khi nhặt được của rơi thường buộc người bị mất phải “chuộc” và những người bị mất tài sản coi việc chuộc lại tài sản là phải đạo vì dù sao thì tài sản cũng đã bị mất rồi. Bộ luật hình sự quy định hành vi bắt được tài sản phải trả lại cho chủ sở hữu nếu cố tình không trả là hành vi phạm tội cũng là để giáo dục mọi người phát huy truyền thống đạo đức không tham lam nếu tài sản đó không do sức lao động của mình làm ra. Tuy nhiên, pháp luật cũng chỉ quy định bắt được tài sản có giá trị nhất định (từ 10.000.000 đồng trở lên) mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu thì mới là hành vi tội phạm.

Không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là hành vi cố tình giữ tài sản do bị giao nhầm, do tìm được hoặc bắt được khi đã có yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Có thể người phạm tội thừa nhận tìm được, bắt được nhưng cho rằng tài sản đó thuộc sở hữu của mình, nhưng cũng có thể không thừa nhận là mình đã được giao nhầm, đã tìm được hoặc bắt được, nhất là trường hợp được giao nhầm.

Yêu cầu nhận lại tài sản bị giao nhầm, do người phạm tội tìm được hoặc bắt được là yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản. Nếu chưa có yêu cầu nhận lại tài sản hoặc yêu cầu đó không phải của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản thì chưa cấu thành tội phạm tội này.

Hậu quả:Hậu quả của tội phạm này là tài sản bị giao nhầm, bị mất, bị rơi không thu hồi được. Tuy nhiên, nếu là tài sản bình thường không phải là cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá thì phải có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên thì mới cấu thành tội phạm này.

Nếu tài sản là cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá thì không cần phải có giá trị từ 10.000.000 đồng vẫn bị coi là tội phạm.Cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá là vật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định đó là cổ vật, là vật có giá trị lịch sử văn hoá. Nói chung trong những trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần trưng cầu giám định.

(iv) Mặt chủ quan của tội chiếm giữ trái phép tài sản

Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội chiếm giữ trái phép tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn giữ bằng được tài sản do bị giao nhầm, tìm được hoặc bắt được. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Hình phạt đối với người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản

Phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt.Khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định: người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 cần chú ý một số điểm sau:

- Đối với tài sản bị giao nhầm, cần có các tài liệu chứng minh đúng là có việc giao nhầm tài sản, thông thường trong những trường hợp này người phạm tội không thừa nhận có việc được giao nhầm tài sản. Vì vậy, cần phải có bằng chứng , chứng minh có việc giao nhầm tài sản, đồng thời người đã có hành vi giao nhầm tài sản phải thông báo cho người được giao nhầm tài sản biết. Nếu còn có nghi ngờ về việc có hay không có việc giao nhầm thì chưa cấu thành tội phạm này.

- Đối với tài sản là cổ vật, là vật có giá trị lịch sử văn hoá, ngoài việc xác định tài sản đó là cổ vật, vật có giá trị lịch sử văn hoá thì các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải xác định xem đã có yêu cầu của người có trách nhiệm quản lý tài sản đó hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã có thông báo yêu cầu người phạm tội phải trả lại tài sản đó chưa, cùng với việc ra thông báo các cơ quan có thẩm quyền cần giáo dục động viên người chiếm giữ trái phép cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử văn hoá giao vật đó cho cơ quan có thẩm quyền, chỉ khi nào người chiếm giữ cổ vật, vật có giá trị lịch sử văn hoá cố tình không giao nộp cổ vật, vật có giá trị lịch sử văn hoá cho cơ quan, tổ chức thì mới coi là tội phạm.

Giá trị tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng là giá thị trường tự do vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội (từ khi người phạm tội cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp).

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản theo khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sư, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt. Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:

- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;

- Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;

- Tài sản bị chiếm giữ trái phép càng có giá trị cao, hình phạt càng nặng;

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( ba tháng tù). Nếu người phạm tội đáng được khoan hồng nhưng chưa tới mức được miến trách nhiệm hình sự thì cũng có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với họ.

Chiếm giữ trái phép tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 176 Bộ luật hình sự

- Chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên:Trường hợp phạm tội này không có gì đặc biệt, chỉ cần xác định tài sản bị chiếm giữ trái phép có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên là thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 176 Bộ luật hình sự. Việc xác định giá trị tài sản bị chiếm giữ trái phép cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật.

- Chiếm giữ trái phép là cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt:Trường hợp phạm tội này chỉ khác khoản 1 của điều luât là cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá không phải là cổ vật hoặc vật có giái trị lịch sử văn hoá bình thường mà nó có giá trị đặc biệt. Giá trị đặc biệt ở đây không phải là giá trị tính ra được bằng tiền mà nó có giá trị đặc biệt về truyền thống văn hoá, về lịch sử của đất nước, của dân tộc. Việc xác định cổ vật nào; vật có giá trị lịch sử, văn hoá nào là vật có giá trị quốc gia phải có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, trong trường hợp này nhất thiết phải có giám định của cơ quan chuyên môn.

Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198


Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới một năm tù) nhưng không được dưới ba tháng tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc có thể được Toà án cho hưởng án treo. Nói chung, đường lối xét xử đối với người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản chủ yếu lấy giáo dục là chính, chỉ nên áp dụng hình phạt tù đối với những trường hợp nghiêm trọng.

Bài viết thực hiện bởi: luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail:[email protected],[email protected].