Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác

Cố ý làm lộ bí mật công tác là nhận thức rõ hành vi của mình là làm lộ bí mật công tác, thấy trước được hậu quả của hành vi tất yếu hoặc có thể làm lộ bí mật công tác, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra...

Điều 286 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác như sau: “1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1.Về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội “cố ý làm lộ bí mật công tác” cũng được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

2.Về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội cố ý làm lộ bí mật công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo mật của Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, thậm chí gây ra tác hại rất lớn, để người khác lợi dụng chống lại chế độ, gây mất đoàn kết hoặc đối phó với các chủ trương chính sách trước khi được thi hành.

Đối tượng tác động của tội phạm này được nêu ngay trong cấu thành tội phạm, đó là: bí mật công tác. Bí mật công tác cũng là bí mật Nhà nước, nhưng được gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chứvu và gắn liền với nhiệm vụ công tác của người có chức vụ, quyền hạn.

3.Về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là làm lộ bí mật công tác. Nhưng biểu hiện của hành vi làm lộ lại tuỳ thuộc vào chức vụ, quyền hạn và hoàn cảnh cụ thể lúc người phạm tội làm lộ bí mật đó.

Hành vi làm lộ bí mật công tác được biểu hiện như: Kể cho người khác nghe những bí mật mà mình biết; cung cấp tài liệu, tin tức bí mật cho người khác để người khác sử dụng các tài liệu, tin tức bí mật đó; loan truyền những tin tức bí mật bằng nhiều hình thức như truyền miệng, đăng báo, truyền thanh, truyền hình...

Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước bao giờ cũng gắn liền với nhiệm vụ của người phạm tội. Cũng chính vì thế nên mới gọi là làm lộ bí mật công tác, nếu không có chức vụ, quyền hạn và không thực hiện nhiệm vụ, thì không thể làm lộ bí mật Nhà nước được.

b. Hậu quả

Hậu quả của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. chỉ cần người phạm tội có hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của tội phạm vẫn rất cần thiết, dù nó không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt, vì hành vi làm lộ bí mật công tác nếu đã gây ra hậu quả thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả; nếu hậu quả gây ra lại là nghiêm trọng, thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

4.Về mặt chủ quan của tội phạm

Tên tội danh và điều văn của điều luật đã quy định người phạm tội này là do cố ý, tức là người phạm tội thấy trước được hậu quả của hành vi tất yếu hoặc có thể làm lộ bí mật công tác, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Việc xác định người phạm tội có cố ý làm lộ bí mật công tác hay không là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc xác định hành vi phạm tội, nếu người phạm tội không cố ý làm lộ bí mật công tác thì dù bí mật đó đã bị tiết lộ thì người có hành vi tiết lộ bí mật không cấu thành tội phạm này mà tuỳ trường hợp người có hành vi phạm tội vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc không phạm tội.

Khi xác định người phạm tội có cố ý làm lộ bí mật công tác hay không, không chỉ căn cứ vào lời khai của người phạm tội, mà phải căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án, vì thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyết để cố ý làm lộ bí mật công tác nhưng khi sự việc được phát hiện thì lại cho rằng mình chỉ vô ý để lộ bí mật công tác để trốn trách nhiệm.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].