Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình Sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Điều 143 Bộ luật Hình Sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau: “1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Đối với tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với tội xâm phạm sở hữu khác. Tuy nhiên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều luật, vì hai khoản này chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều luật vì hai khoản này là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội có tính chất chiếm đoạt như cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt.

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Huỷ hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn.

Hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: Đốt cháy, đập phá, dùng thuốc nổ, dùng chất độc, hoá chất hoặc lợi dụng thiên tai để huỷ hoại tài sản...

Nếu hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà tài sản đó lại là đối tượng tác động của các tội khác đã được ở các điều luật khác trong Bộ luật hình sự thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 143 Bộ luật hình sự mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng như: Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188); tội huỷ hoại rừng(Điều 189); tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiẹn ký thuật quân sự (Điều 335).

b. Hậu quả

Hậu quả của hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là giá trị hoặc giá trị sử dụng của tài sản bị huỷ hoại hoặc hư hỏng. Giá trị hoặc giá trị sử dụng của tài sản là thiệt hại do hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng gây ra chứ không phải giá trị hoặc giá trị sử dụng ban đầu của tài sản khi chưa bị huỷ hoại hoại hoặc làm hư hỏng.

Đối với tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nếu chưa có hậu quả xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm và tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cũng được thực hiện do cố ý.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội có mục đích khác, còn việc huỷ hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản chỉ là phương pháp để đạt được mục đích khác thì không phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.

Người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có nhiều động cơ khác nhau như: để trả thù, vì ghen tuông... nhưng chủ yếu là vì tư thù. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:

1.Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
2.Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
3.Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
4.E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].