Tội phạm học - nhiệm vụ tội phạm học

Tội phạm học là môn khoa học hình sự chuyên nghiên cứu tình trạng và hiện tượng phạm tội, sự biến động của tình trạng phạm tội, các nguyên nhân phạm tội và những biện pháp phòng ngừa tội phạm trong xã hội.


Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


TỘI PHẠM HỌC


Các hiện tượng, quá trình xã hội tiêu cực gắn liền với những hành vi phạm pháp hình sự diễn ra trong một giới hạn không gian, thời gian và nhóm chủ thể xã hội nhất định được coi là tình hình tội phạm. Các nhân tố xã hội mang tính quy luật khách quan đóng vai trò căn bản, gốc rễ phát sinh hoặc những hoàn cảnh, điều kiện thuận lợi cho phát triển những hiện tượng, quá trình tiêu cực xã hội nói trên được gọi là nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm. Các nhân tố xã hội này gắn liền móc xích với nhau chịu sự tác động, ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau theo những quy luật nhất định. Chính nhu cầu nhận thức chân lý khách quan diễn ra gắn liền với những biến động, thay đổi mang tính quy luật đó đã làm phát sinh, phát triển tội phạm học - như một hệ thống trí thức về tình hình tội phạm, về nguyên nhân điều kiện của tình hình tội phạm, cũng như những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các nhân tố tiêu cực. Những quy luật khách quan nói trên được được mô tả bởi một hệ thống phạm trù, khái niệm, thông số về chất và về lượng, với việc kết hợp vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học phổ biến với các phương pháp đặc thù, phù hợp với đối tượng nghiên cứu… Nói cách khác, Tội phạm học được sinh ra nhằm nghiên cứu những quy luật khách quan gắn liền với tình hình tội phạm, nguyên nhân điều kiện của tình hình tội phạm và các giải pháp phòng ngừa ngăn chặn vô hiệu hóa nguyên nhân đã đã dẫn đến các hiện tượng và quá trình đó. Chính quy luật khách quan gắn liền với quá trình hình thành, phát sinh, phát triển và biến đổi của tình hình tội phạm, các thành tố của nó cũng như các giải pháp để tác động, làm thay đổi, hoặc khắc phục những nguyên nhân điều kiện dẫn đến tình hình tội phạm là đối tượng nghiên cứu của Tội phạm học. Để đạt được những mục tiêu nhiệm vụ đó, tội phạm học phải chọn lựa các hình thức và phương pháp nghiên cứu hợp lý, hiệu quả. Đã từ lâu, Tội phạm học được thừa nhận là một bộ môn khoa học có tính lý luận chung, cung cấp những thông tin mang tính cơ sở cho việc ứng dụng tri thức của các ngành khoa học xã hội - pháp lý khác liên quan tới nghiên cứu hành vi nguy hiểm xã hội như khoa học Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Thi hành án hình sự, Điều tra hình sự và các ngành khoa học khác. Tội phạm học không chỉ phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật mà còn đóng góp tích cực cho điều tra khám phá tội phạm và giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng những người phạm tội.


NỘI DUNG TỘI PHẠM HỌC


Tội phạm hiện thực, nguyên nhân của tội phạm hiện thực và kiểm soát tội phạm hiện thực đồng thời là những nội dung khái quát của tội phạm học. Mỗi nội dung này lại bao gồm các nội dung cụ thổ liên quan. Khi nghiên cứu về tội phạm hiện thực đòi hỏi phải nghiên cứu cả về người phạm tội với ý nghĩa là chủ thể gây ra tội phạm, và nạn nhân của tội phạm và hậu quả gây ra cho nạn nhân của tội phạm, nghiên cứu tội phạm hiện thực ở các phạm vi khác nhau, nghiên cứu tội phạm hiện thực nói chung hay nghiên cứu nhóm hoặc loại tội phạm hiện thực nói riêng.


Nghiên cứu về nguyên nhân của tội phạm hiện thực cũng đòi hỏi phải nghiên cứu cả người phạm tội và nạn nhân của tội phạm để tìm hiểu về nguyên nhân từ phía người phạm tội và những yếu tố có ảnh hưởng đến nguyên nhân của tội phạm từ phía nạn nhân của tội phạm hiện thực... Nghiên cứu về kiểm soát tội phạm hiện thực bao gồm cả nghiên cứu về hiệu quả của pháp luật hình sự, hiệu quả của hình phạt, hiệu quả của hoạt động đấu tranh chống tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng... từ góc độ phòng ngừa tội phạm và nhằm mục đích phòng ngừa tội phạm. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thực nghiệm về tội phạm hiện thực, nguyên nhân của tội phạm hiện thực, kiểm soát tội phạm hiện thực và cả vấn đề xung quanh, liên quan đến các đối tượng nghiên cứu như đã nêu, hệ thống lí luận và những kết luận chung về các vấn đề này được hình thành và phát triển, trở thành các nội dung cơ bản của tội phạm học. Điều này lí giải tại sao trong các sách hoặc tài liệu viết về tội phạm học, bên cạnh những nội dung trực tiếp thuộc đối tượng nghiên cứu của tội phạm học còn có nhiều nội dung cụ thể khác được nêu thuộc về nội dung của tội phạm học như nhân thân người phạm tội, nạn nhân của tội phạm, hình phạt học, phòng ngừa tội phạm... Như vậy, các đối tượng nghiên cứu của tội phạm học đã quy định những nội dung của tội phạm học, hay cũng có thể diễn đạt cách khác là những nội dung khoa học của tội phạm học được hình thành trên cơ sở nghiên cứu các đối tượng nghiên cứu của tội phạm học.


Các nội dung của tội phạm học cũng được phát triển cùng với sự phát triển của tội phạm học. Từ những năm 90 của thế kỉ XX phòng ngừa tội phạm ngày càng được các nước trên thế giới quan tâm, được thể hiện từ trong chính sách hình sự đến trong hệ thống kiểm soát tội phạm đến trong.nghiên cứu tội phạm học, do đó lí luận về phòng ngừa tội phạm ngày càng được phát triển và trở thành bộ phận quan trọng của tội phạm học. Cùng với phòng ngừa tội phạm là vấn đề lí luận về nạn nhân của tội phạm và về tác dụng, hiệu quả của hình phạt cũng được phát triển thành những bộ phận (chuyên sâu) quan trọng của tội phạm học và trong một số tài liệu còn được gọi là nạn nhân học và hình phạt học. Những nội dung của tội phạm học được phản ánh ngay trong các sách viết về tội phạm học.



NHIỆM VỤ CỦA TỘI PHẠM HỌC


Tội phạm học có hai nhiệm vụ cơ bản, đó là nhiệm vụ nghiên cứu thực nghiệm và nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng. Nhiệm vụ nghiên cứu thực nghiệm là nhiệm vụ đầu tiên quan trọng của tội phạm học với nghĩa là khoa học liên ngành, thực nghiêm. Các nhà tội phạm học theo đuổi nhiệm vụ hay không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, hệ thống, kiểm chứng các dữ liệu, kết quả nghiên cứu thực nghiệm từ góc độ các ngành khoa học khác nhau về hiện thực xã hội của tội phạm, nguyên nhân của tội phạm và thực tiễn! kiểm soát tội phạm (ví dụ các kết quả nghiên cứu nguyên nhân của tội phạm từ góc độ tâm lí học, tâm thần học, xã hội học) mà còn phải phân tích và lí giải về nguyên nhân, các mối liên hệ và cơ cấu của các đối tượng nghiên cứu trên cơ sở gắn kết liên ngành các kết quả nghiên cứu thực nghiệm. Qua đó, những tri thức thực 1 nghiêm được tích lũy và củng cố, tạo thành hệ thống tri thức, học thuyết khác nhau tồn tại trong lịch sử phát triển tội phạm học. Kho tàng tri thức thực nghiệm có được do thực hiện nhiệm vụ này ngày một phát triển và trở thành những kiến thức cơ bản hay nền tảng của tội phạm học. Do đó, nhiệm vụ này cũng có thể được gọi là nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản của tội phạm học.


Nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng là nhiệm vụ thứ hai của tội phạm học nhưng có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Nghiên cứu ứng dụng hướng tới việc đưa ra những định hướng, giải pháp vận dụng những tri thức khoa học cơ bản của tội phạm học vào hoạt động thực tiễn. Nhiệm vụ này được thực hiện trong các lĩnh vực mà tri thức thực nghiệm của tội phạm học cần được mở rộng, phát triển và vận dụng để đưa ra những giải pháp hoặc kết luận có giá trị thực tiễn. Nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng được thực hiện trước tiên phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm; dự báo tội phạm; hoặc thông qua nghiên cứu về tác dụng và hiệu quả phòng ngừa của hình phạt; nghiên cứu về việc trở thành nạn nhân của tội phạm và bảo vệ nạn nhân của tội phạm... Những phạm vi hoặc lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng quan trọng của tội phạm học thường là những phạm vi hoặc lĩnh vực mà các cơ quan tư pháp hình sự có nhu cầu lớn nhất về những thông tin được khai thác từ các kết quả nghiên cứu thực nghiệm để có thể ban hành được các quyết định hợp lí và hiệu quả nhằm phòng ngừa tội phạm. Những kết quả đem lại do thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng của các nhà tội phạm học ngày càng được phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho công tác phòng ngừa tội phạm và nhờ đó tội phạm học ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong xã hội.


Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198



Khuyến nghị:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

  1. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

  2. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected]et.vn, [email protected].