Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ của một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nhưng hiện tượng từ chối, trốn tránh nghĩa vụ.
1. Căn cứ pháp lý
"Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm". 2. Cấu thành pháp lý
Khách thể của tội phạm là quan hệ gia đình bị mà trực tiếp là quyền được người thân phải cấp dưỡng cho mình. Đó là quyền đảm bảo cho sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của người được cấp dưỡng trong đời sống hang ngày.
b. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là người từ đủ 16 tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự và là người có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình có nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng). Người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không là chủ thể của tội phạm này do họ chính là những chủ thể có quyền được cấp dưỡng theo quy định và cũng không thuộc một trong các tội được quy định tại Điều 12 BLHS 2015.
c. Mặt khách quan
- Hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thường được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó. Có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có tiền, tài sản hoặc thu nhập có khả năng bảo đảm cuộc sống của gia đình với mức sống trung bình ở địa phương.
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ phát sinh theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có khả năng cấp dưỡng mà cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì hành vi mới bị coi là tội phạm.
Từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng là có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và có khả năng cấp dưỡng nhưng khước từ việc cấp dưỡng khi người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật yêu cầu cấp dưỡng hoặc đã có quyết định của Tòa án buộc phải cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng.
Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và có khả năng cấp dưỡng nhưng tìm mọi cách trốn tránh việc cấp dưỡng (bỏ trốn, giấu địa chỉ, cố tình dây dưa việc cấp dưỡng), khi người được cấp dưỡng yêu cầu hoặc đã có quyết định của Tòa án buộc phải cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng.
Nếu có nghĩa vụ nhưng không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng thì không phải là hành vi phạm tội. Người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật nhưng có khả năng tự đảm bảo cuộc sống, có tài sản riêng, không cần cấp dưỡng mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không bị coi là tội phạm.
Người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu trách nhiệm hình sự khi trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm tức là trước đó đã có lần từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải hành vi trên thì không cấu thành tội phạm này.
Một trong những điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đó là yêu cầu hậu quả xảy ra. Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng khiến cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ như: ốm đau, bệnh tật. Trong trường hợp chưa gây hậu quả thì người vi phạm phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Như vậy, hậu quả của tội phạm này vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì hậu quả không là dấu hiệu bắt buộc, nhưng nếu chưa bị xử phạt hành chính thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc.
d. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng cố tình từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Tuy nhiên, tội phạm là tội xâm phạm quan hệ gia đình, nên thực tế có nhiều trường hợp người phạm tội không nhận thức rõ nghĩa vụ của mình nên đã từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, thậm chí một số người còn cho rằng mình không có nghĩa vụ cấp dưỡng mà nghĩa vụ đó là của người khác. Ví dụ: Con gái đã đi lấy chồng mà không có nghĩa vụ đối với bố mẹ đẻ nên không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khi bố mẹ đẻ không còn khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.
Cần lưu ý đối với tội danh này là Điều luật quy định hai hành vi phạm tội, đó là hành vi từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng và hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Vì vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà định tội cho chính xác. Nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi “từ chối” và “trốn tránh” thì định tội là: “từ chối và trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”’; Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một trong hai hành vi “từ chối” hoặc “trốn tránh” thì định tội là “từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng” hoặc “trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”.
3. Hình phạt
Điều luật quy định hình phạt là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Vì đây là tội mới được quy định từ BLHS 1999 và mức độ nguy hiểm của nó chưa cao, hơn nữa, lại tác động trực tiếp tới các mối quan hệ trong gia đình. Vì vậy, pháp luật quy định chủ yếu cho người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có cơ hội thay đổi ở ngoài xã hội, bảo đảm cuộc sống gia đình.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Chi nhánh Tây Hà Nội:Tầng 9, tòa nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận