Trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội

Khái niệm người chưa thành niên phạm tội trong pháp luật Hình sự Việt Nam chỉ bao gồm những người đã đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi.

Điều 12 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. 2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm – sinh lí, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống. Họ thường có xu hướng muốn tự khẳng định, được đánh giá, được tôn trọng, hiếu thắng và dễ bị kích động, lôi kéo. Chính vì thế, họ dễ bị người khác dụ dỗ, kích động, thúc đảy vào việc thực hiện tội phạm nhưng do ý thức phạm tội của họ chưa cao và chưa chắc chắn nên cũng dễ uốn nắn, cải tạo, giáo dục họ thành người có ích cho xã hội.

1. Những nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội

Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về những nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội bao gồm: “1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. 2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. 3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. 4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này. 5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội”.


Như vậy, các nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, không phải mọi trường hợp người chưa thành niên phạm tội đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra khi nó thực sự cần thiết và xuất phát từ yêu cầu phòng ngừa tội phạm. Ngoài ra, tử hình và tù chung thân không được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, vì đây là những hình phạt có tính nghiêm khắc cao, chỉ áp dụng trong trường hợp phạm tội đặc biết nghiêm trọng, mà việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, cải tạo họ.

2. Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Đối với người chưa thành niên phạm tội, Toà án có thể quyết định áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự:

-Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đây là biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục và phòng ngừa, được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng trong thời hạn từ 01 năm đến 02 năm. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn chỉ được áp dụng khi môi trường sống của người chưa thành niên phạm tội có những điều kiện tốt cho việc giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội thông qua các hoạt động học tập, lao động, sinh hoạt của họ.

-Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy cần có kỷ luật chặt chẽ và cần phải cách li họ khỏi môi trường xã hội để giáo dục và cải tạo họ thành công dân có ích cho xã hội.

Trường giáo dưỡng là cơ sở giáo dục đặc biệt được Nhà nước thành lập để giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội hoặc có những vi phạm pháp luật khác. Đưa người chưa thành niên phạm tội vào trường giáo dưỡng là biện pháp nghiêm khắc hơn biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Biện pháp này chỉ được áp dụng khi thấy cần thiết phải cách li người chưa thành niên khỏi môi trường xã hội mà họ đang sinh sống, vì môi trường cũ không có các điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội như trong gia đình có người là người có tiền án hoặc thường xuyên vi phạm pháp luật.

3. Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Điều 71 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm:

-Cảnh cáo.

-Phạt tiền. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.

-Cải tạo không giam giữ. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó. Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định,

-Tù có thời hạn.

Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Như vậy, dù trong hệ thống hình phạt của nước ta còn ghi nhận tử hình và tù chung thân, tuy nhiên, đây là hai hình phạt chính có tính nghiêm khắc nhất, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, hai hình phạt này không được đặt ra đối với người chưa thành niên phạm tội. Và luật hình sự không quy định hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội, bởi người chưa thành niên phạm tội là người chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất cũng như trí tuệ, và để họ có khả năng cải tạo, giáo dục tốt hơn cũng như thể hiện tính nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội.

Nguồn: Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam tập 1, Trường đại học Luật Hà Nội, Nxb.Công an nhân dân, 2014.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].