Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội là hành vi vi phạm pháp luật hiện hành

Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội là một trong những tội phạm xâm phạm về hoạt động tư pháp theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015

Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án

 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Thứ nhất, về quy định tại điều 368 Bộ luật hình sự năm 2015

“Điều 368. Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

1. Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Đối với 02 người đến 05 người;

c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

đ) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Đối với 06 người trở lên;

b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

d) Làm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan tự sát.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Thứ hai, bình luận về điều 368 Bộ luật hình sự năm 2015

(i) Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

*Khách thể: xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra và cơ quan truy tố (hoạt động của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát), giới hạn hành vi đến giai đoạn điều tra và truy tố.

*Chủ thể: Của tội này là chủ thể đặc biệt chỉ bao gồm những người có thẩm quyền trong việc thực hiện hành vi tố tụng là truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Đó là người có quyền ra quyết định khởi tố bị can; người có quyền đề nghị truy tố và người có quyền quyết định truy tố bị can trước tòa.

*Hành vi khách quan: Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã khởi tố, kết luận điều tra, truy tố đối với người mà mình biết rõ là không có tội.

Một người được coi là không có tội nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự, đó là: không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá.

Điều luật quy định “biết rõ là không có tội” tức là, người phạm tội phải biết rõ người mà mình truy cứu trách nhiệm hình sự là không có tội; nếu do trình độ nghiệp vụ non kém hoặc vì lý do khách quan khác mà người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự một người mà không biết rõ không có tội thì không phạm tội này.

*Lỗi: Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

(ii) Về hình phạt

-Khung hình phạt cơ bản đối với người phạm tội Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội là bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

-Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

Khoản 2 điều 368 Bộ luật hình sự năm 2015

-Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

Khoản 3 điều 368 Bộ luật hình sự năm 2015

-Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khuyến nghị của công ty Luật Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].