Nghiên cứu tình hình tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong tội phạm học. Bằng những phương pháp nghiên cứu khác nhau, cho ta thấy “bức tranh toàn cảnh” về tội phạm đã xảy ra.
Nghiên cứu tình hình tội phạm là nghiên cứu thực trạng và diễn biến của tội phạm, đó là "bức tranh" toàn cảnh về tội phạm đã xảy ra. Để có được “bức tranh” như vậy, đòi hỏi việc nghiên cứu tình hình tội phạm phải thực hiện các nội dung nghiên cứu cụ thể và cần sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với các nội dung nghiên cứu cụ thể đó.
1. Ý nghĩa của nghiên cứu tình hình tội phạm
Kết quả nghiên cứu tình hình tội phạm cho chúng ta “bức tranh" toàn cảnh về tội phạm đã xảy ra. “Bức tranh” toàn cảnh này không chỉ thể hiện đặc điểm định lượng (tổng số tội phạm cũng như tổng số người phạm tội - con số phản ánh mức độ nghiêm trọng của tội phạm đã xảy ra) mà còn thể hiện cả đặc điểm định tính (các cơ cấu bên trong của tội phạm và của người phạm tội mà những cơ cấu này phản ánh tính chất nghiêm trọng của tội phạm đã xảy ra). “Bức tranh” toàn cảnh về tội phạm đã xảy ra không chỉ thể hiện tình trạng tĩnh của các tội phạm đã xảy ra mà còn thể hiện cả diễn biến (tăng, giảm hoặc tương đối ổn định về số lượng cũng như về tính chất) của tình trạng này.
Nghiên cứu tình hình tội phạm không chỉ dừng lại ở mô tả “bức tranh tội phạm” mà đòi hỏi còn phải phân tích “bức tranh”, so sánh các “bức tranh” với nhau để qua đó có được sự đánh giá đầy đủ và toàn diện tính nghiêm trọng của tội phạm đã xảy ra - nghiêm trọng về mức độ cũng như nghiêm trọng về tính chất.
Mô tả và phân tích “bức tranh tội phạm” trong nghiên cứu tình hình tội phạm không phải chỉ để “biết” những gì đã xảy ra mà quan trọng hơn là để giải thích, phát hiện nguyên nhân, để dự liệu tội phạm sẽ xảy ra như thế nào trong thời gian tới và qua đó tạo cơ sở cho việc đưa ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm.
2. Phương pháp nghiên cứu tình hình phạm tội
Nghiên cứu tình hình tội phạm với mục đích để đánh giá, phát hiện nguyên nhân, để dự liệu tội phạm sẽ xảy ra như thế nào trong thời gian tới là dạng nghiên cứu mô tả trong nghiên cứu thực nghiệm. Đó là quá trình gồm hai bước:
-Bước thu thập dữ liệu thực tiễn phản ánh nội dung định lượng và nội dung định tính của thực trạng và diễn biến cùa tội phạm trong đơn vị không gian và thời gian xác định. Đó là dữ liệu về số lượng tội phạm và người phạm tội, dữ liệu về các cơ cấu của tội phạm mà qua đó phản ánh được tính chất của tội phạm trong thời gian tổng thể và trong từng năm. Bước này đòi hỏi phải có phương pháp tìm kiếm luận cứ thực tế.
-Bước xử lí các dữ liệu đã thu thập được để kiểm chứng các giả thuyết mô tả tình hình tội phạm và đi đến các nhận định về thực trạng và diễn biến của tội phạm được nghiên cứu. Bước này đòi hỏi phải có phương pháp tổ chức chứng minh luận điểm khoa học.
a) Về bước thứ nhất: Đây là bước quan trọng, tạo cơ sở cho bước thứ hai. Trong bước thu thập dữ liệu này, với các đòi hỏi của yêu câu mô tả thì các phương pháp tiếp cận cần phải được lựa chọn là: tiếp cận định lượng, tiếp cận tổng thể và tiếp cận bộ phận.
Để có thể tiếp cận bộ phận đúng đòi hỏi người nghiên cứu phải sử dụng đúng các phương pháp chọn mẫu. Trong đó, các phương pháp chọn mẫu thường được lựa chọn là chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản hoặc chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống.
Phương pháp thu thập dữ liệu thường được ưu tiên sử dụng trong thực tế là phương pháp phân tích thứ cấp dữ liệu. Trước hết là các dữ liệu có trong thống kê tội phạm của các cơ quan tư pháp trung ương và địa phương (công an, viện kiểm sát và toà án). Việc thu thập các dữ liệu thống kê tội phạm có sẵn này cần được tận dụng tối đa.
Tuy nhiên, các thống kê tội phạm có sẵn này đều có giới hạn mà không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu của người nghiên cứu. Do vậy, người nghiên cứu bên cạnh việc sử dụng dữ liệu đã có sẵn trong thống kê vẫn cần phải tự thu thập các dữ liệu khác qua việc phân tích các dữ liệu có trong các bản án hình sự. Đây cũng là dạng đặc thù của phương pháp phân tích thứ cấp dữ liệu.
Nội dung các dữ liệu thu thập theo kiểu này được người nghiên cứu đặt ra để đảm bảo phục vụ mục đích nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, người nghiên cứu không thể nghiên cứu toàn bộ các bản án thuộc phạm vi nghiên cứu của mình. Ở đây, người nghiên cứu không thể chọn cách tiếp cận tổng thể mà phải chọn cách tiếp cận bộ phận, vấn đề được đặt ra là chọn bộ phận nào? Với số lượng bao nhiêu? Người nghiên cứu không thể tuỳ tiện chọn mà phải tuân theo các nguyên tắc chọn mẫu để đảm bảo tính đại diện.
Cùng với phương pháp phân tích thứ cấp dữ liệu trên, người nghiên cứu còn có thể sử dụng một số phương pháp khác để thu thập dữ liệu như phương pháp điều tra bằng bảng hỏi, phương pháp phỏng vấn, phương pháp điều tra tự thuật.
b) Về bước thứ hai: Đây là bước xử lí các dữ liệu đã thu thập được. Đối với các dữ liệu dưới dạng số liệu phục vụ mô tả đặc điểm định lượng của tội phạm (thực trạng của tội phạm xét về mức độ cũng như diễn biến của tội phạm xét về mức độ) thì việc xử lí được thực hiện với phương pháp thống kê.
Đối với các dữ liệu phục vụ mô tả đặc điểm định tính của tội phạm (thực trạng của tội phạm xét về tính chất cũng như diễn biến của tội phạm xét về tính chất) thì việc xử lí được thực hiện với phương pháp logic để có được các kết luận về tính chất cũng như diễn biến về tính chất của tội phạm được nghiên cứu.
Đó là hai phương pháp xử lí dữ liệu cùng được sử dụng khi nghiên cứu tình hình tội phạm. Xử lí các dữ liệu để đi đến các nhận định về tình hình tội phạm đòi hỏi người nghiên cứu phải sử dụng các phương pháp kiểm chứng giả thuyết. Thông thường phương pháp kiểm chứng được sử dụng là phương pháp chứng minh giả thuyết.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận