Mua tài sản mà không biết đó là tài sản trộm cắp liệu có bị khởi tố hay không?

Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Hỏi: Tôi có mua 10 cây máy tính và 08 màn hình máy tính. Vừa rồi tôi phát hiện ra đó là đồ ăn trộm thì tôi đã tự ý giao nộp toàn bộ số lượng đã mua được cho cơ quan công an. Người bị hại đã nhận tiền bồi thường từ phía người ăn trộm. Đề nghị Luật sư tư vấn, do tôi không biết là đồ ăn trộm nên mới mua thì tôi có bị khởi tố không? Tôi đã mua của người này hai lần. Như vậy tôi có bị quy vào tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không? (Bùi Hoàng Thái - Hà Nam).

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Văn Công - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Liên quan đến vấn đề của anh (chị) hỏi, chúng tôi xin trích dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) và Văn bản hướng dẫn như sau:

- Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn; d) Thu lợi bất chính lớn; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn; b) Thu lợi bất chính rất lớn. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn; b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này” (Điều 250).

Thông tư liên tịch Số: 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền quy định như sau:

- “1. Chứa chấp tài sản là một trong các hành vi sau đây: cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản; cho để nhờ, cho thuê địa điểm để cất giữ, che dấu, bảo quản tài sản đó. 2. Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó. 3. Khi áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 250 Bộ luật hình sự cần chú ý: a) Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: - Có từ 5 lần trở lên thực hiện hành vi phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; - Người phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lấy tài sản thu nhập bất chính do phạm tội mà có làm nguồn sống chính. b) Trường hợp trong các lần phạm tội nếu có lần phạm tội đã bị kết án mà chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể để xác định người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là: “Phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. 4. “Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 250 Bộ luật hình sự là tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 5. “Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 250 Bộ luật hình sự là tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. 6. “Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 250 Bộ luật hình sự là tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên. 7. “Thu lợi bất chính lớn” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 250 Bộ luật hình sự là thu lợi bất chính từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng. 8. “Thu lợi bất chính rất lớn” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 250 Bộ luật hình sự là thu lợi bất chính từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng. 9. “Thu lợi bất chính đặc biệt lớn” quy định tại điểm b khoản 4 Điều 250 Bộ luật hình sự là thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên…” (Điều 2).

- “…2. Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội….” (Điều 1).

Như vậy, theo quy định của pháp luật, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì cấu thành tộichứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.Trường hợp của anh (chị) mua máy tính là một loại tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu vì vậy việc phát hiện được đó là tài sản trộm cắp mà có hay không là rất khó. Do đó, nếu anh (chị) chứng minh được rằng anh (chị) hoàn toàn không nhận thức được đó là đồ do người khác ăn trộm mà có thì anh (chị) sẽ không bị truy cứu về tộichứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.


Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198 hoặc E-mail: [email protected]
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.