Những điểm mới của của chế định trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một trong những chế định của pháp luật tố tụng hình sự (TTHS).

Kế thừa các quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong Bộ luật TTHS năm 2003 (điểm g khoản 2, khoản 3 Điều 36; điểm b khoản 2 Điều 39; khoản 2 Điều 121; Điều 168; điểm b khoản 2 Điều 176; Điều 179; khoản 2 Điều 199) và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Thông tư liên tịch số 01/2010). Bộ luật TTHS năm 2015, có hiệu lực ngày 01/7/2016 tiếp tục quy định chế định này tại điểm m khoản 2 Điều 41; điểm b khoản 2 Điều 45; khoản 2 Điều 174; khoản 5 Điều 236; Điều 245; Điều 246; Điều 280. Trong đó, có một số điểm mới cơ bản như sau:
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Một là, về số lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần” đã giới hạn cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và tại phiên tòa, Tòa án có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. Quy định này thể hiện sự chặt chẽ hơn, tránh sự tùy tiện, lạm dụng việc trả hồ sơ để kéo dài thời gian giải quyết vụ án bởi vì theo quy định hiện hành Tòa án có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần điều đó có nghĩa là cả hai lần trả hồ sơ, Tòa án có thể quyết định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa. Quy định này còn thể hiện sự phù hợp với nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong xét xử theo tinh thần của Nghị quyết số 49 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Rõ ràng, theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu như Tòa án đã trả hồ sơ hai lần trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì kết quả điều tra công khai tại phiên tòa sẽ không có ý nghĩa với việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung nữa vì Tòa án đã hết số lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quy định mới này trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã khắc phục được bất cập nêu trên góp phần đảm bảo tốt hơn nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa.

Hai là, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 hiện hành, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ hơn Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra bổ sung là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố theo quy định khoản 5 Điều 236, thể hiện sự phân định rõ ràng giữa chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp đồng thời thể hiện sự phù hợp với khoản 4 Điều 16 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, tạo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ba là, về căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Bộ luật TTHS 2015 quy định gồm có bốn căn cứ theo khoản 1 Điều 245 và khoản 1 Điều 280 (về số lượng thì nhiều hơn một căn cứ so với Bộ luật TTHS năm 2003 hiện hành).

Điểm b khoản 1 Điều 245 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định “Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác”, về mặt diễn đạt điều luật bổ sung cụm từ “một hay nhiều” so với Bộ luật TTHS hiện hành chỉ quy định “có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác” đã thể hiện sự chính xác về kỹ thuật xây dựng văn bản. Rõ ràng, nếu hiểu theo Bộ luật TTHS hiện hành thì chưa bao quát được hết các trường hợp như ngoài tội phạm mà bị can thực hiện đã được khởi tố, điều tra đến thời điểm truy tố phát hiện bị can còn thực hiện từ hai tội phạm khác trở lên thì đây cũng chính là căn cứ để Viện kiểm sát ra Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.

Điểm c khoản 1 Điều 245 và điểm c khoản 1 Điều 280 Bộ luật TTHS 2015 quy định “Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can”. Như vậy, so với quy định của Bộ luật TTHS hiện hành thì các nhà làm luật đã bổ sung thêm căn cứ nếu có người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì cũng được xem là căn cứ để Tòa án, Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Quy định mới này cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng các văn bản dưới luật có nhiệm vụ cụ thể hóa, chi tiết hóa đảm bảo áp dụng pháp luật được đúng đắn, thống nhất.

Bốn là, về hình thức của Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và việc Cơ quan điều tra thực hiện Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung được cụ thể hóa ở Thông tư liên tịch số 01/2010 đã được luật hóa trong Bộ luật TTHS năm 2015. Điều đó thể hiện một bước tiến mới trong lịch sử lập pháp TTHS, một sự quan tâm đúng mức hơn của Đảng, nhà nước ta đối với công tác điều tra vụ án hình sự phải đảm bảo được tính chính xác, khách quan, toàn diện và đúng pháp luật. Khi có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Cơ quan điều tra là bắt buộc, quy định trong Bộ luật TTHS có tính ràng buộc cao hơn.

Năm là, Bộ luật TTHS năm 2015 cũng luật hóa một số nội dung mới như trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nếu xét thấy có thể bổ sung chứng cứ, tài liệu thì Viện kiểm sát có thể trực tiếp bổ sung mà không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra (Điều 246) hoặc trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ (khoản 2 Điều 280). Điều này tạo sự chủ động cho Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, hạn chế được tình trạng giải quyết vụ án bị kéo dài như hiện nay.

(Nguồn: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].