So sánh tội trộm cắp tài sản và tội chiếm giữ trái phép tài sản

Tội trộm cắp tài sản và tội chiếm giữ trái phép tàn sản đều có khách thể của tội phạm là quan hệ sở hữu. Và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm giữ, đoạt được tài sản của người khác.

Về cơ sở pháp lý, tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009; và tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Tội trộm cắp tài sản và tội chiếm giữ trái phép tài sản có những điểm giống và khác nhau như sau:

1. Giống nhau

- Đều có khách thể của tội phạm là quan hệ sở hữu

- Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm giữ, đoạt được tài sản của người khác.

2. Khác nhau

- Về chủ thể

Chủ thể của hai tội phạm này đều có thể là bất kì người nào đạt độ tuổi luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản, chỉ có chủ thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự, vì tội phạm này có hai khoản nhưng không có điều khoản nào là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

- Về đối tượng của tội phạm

Đối tượng của tội trộm cắp tài sản là tài sản đang có chủ sở hữu như điện thoại trong túi, xe máy trong nhà,….; tài sản đang nằm trong khu vực quản lý, bảo quản như đồ trong công ty, tổ chức,…; hoặc tài sản có người bảo vệ trông coi hoặc không có như tài sản trong nhà kho, phân xưởng,….

Trong khi đó, đối tượng của tội chiếm giữ trái phép tài sản là những tài sản không có chủ hoặc chưa có chủ (như tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, giao nhầm…) hoặc là những tài sản chưa được phát hiện như kim khí quý, những vật báu còn trong lòng đất.

- Về hành vi khách quan

Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết. Trong đó, chiếm đoạt được hiểu là “hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang được sự quản lí của chủ sở hữu tài sản thành tài sản của mình”.

Còn ở tội chiếm giữ trái phép tài sản thì người phạm tội có được tài sản là do ngẫu nhiên, có thể là do bị giao nhầm, nhặt được hoặc tìm được. Tuy nhiên sau khi có được tài sản, người phạm tội cố tình biến tài sản đó thành tài sản của mình một cách trái phép, thể hiện dưới dạng một trong các hành vi: không trả lại tài sản được giao nhầm cho chủ sở hữu; hoặc không giao nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tài sản mà mình bắt được, tìm được…. mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản đó.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].