Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những dấu hiệu khách quan và chủ quan của hành vi phạm tội, không nằm trong cấu thành tội phạm nhưng những tình tiết này là một trong những căn cứ để Tòa án cân nhắc, xem xét việc áp dụng hình phạt đối với tội phạm.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự, trong các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hoặc do Toà án cân nhắc, xem xét quyết định trong quá trình xét xử các vụ án cụ thể, phản ánh chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội.
Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2015 (sau đây gọi là "Bộ luật Hình sự") quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
"1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: (a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; (b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; (c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; (d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; (đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; (e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; (g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; (h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; (i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; (k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; (l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; (m) Phạm tội do lạc hậu; (n) Người phạm tội là phụ nữ có thai; (o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; (p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; (q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; (r) Người phạm tội tự thú; (s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; (t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; (u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội; (v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; (x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. 3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt."
Thứ hai, đặc điểm của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Căn cứ vào quy định của pháp luật, nhận thấy các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có những đặc điểm sau:
(i) Được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Những tình tiết được coi là tình tiết giảm nhẹ hình sự khi được quy định cụ thể tại Điều 51 bộ luật Hình sự. Ngoài ra, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự còn được ghi nhận trong Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/08/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong quá trình xét xử, Tòa án còn có thể tự mình xem xét, cân nhắc coi những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và ghi rõ lý do trong bản án.
Khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cần lưu ý: Những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được quy định với tính cách là yếu tố định tội hoặc là yếu tố định khung hình phạt của một số tội phạm cụ thể thì trong quá trình xét xử, Tòa án không được xem xét nó như là tình tiết giảm nhẹ chung được quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Nghĩa là một tình tiết giảm nhẹ cho dù biểu hiện dưới hình thức nào thì cũng không thể được áp dụng hai lần cho một trường hợp phạm tội cụ thể.
(ii) Là căn cứ để Tòa án cân nhắc, xem xét việc áp dụng hình phạt theo hướng nhẹ hơn đối với người phạm tội. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phản ánh các diễn biến bên ngoài của mặt khách quan cũng như diễn biến tâm lý bên trong của mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm hoặc phản ánh yếu tố nhân thân người phạm tội, góp phần mô tả tội phạm, giúp chúng ta hình dung được mức độ nguy hiểm ít hơn của hành vi phạm tội nếu đặt nó trong sự so sánh với trường hợp phạm tội tương tự mà không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm. Do đó, Tòa án có thể căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để áp dụng hình phạt nhẹ hơn so với mực hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự.
(iii) Sự hiện diện của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là căn cứ để Tòa án đánh giá, xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, coi đó là một trong những căn cứ để quyết định hình phạt. Pháp luật không quy định cụ thể sự hiện diện của tình tiết giảm nhẹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc quyết định hình phạt, sự hiện hữu của tình tiết nào thì được giảm trách nhiệm hình đến đâu, điều đó phụ thuộc vào sự xem xét và cân nhắc của Tòa án.
(iv) Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự rất phong phú, không xác định về mặt số lượng. Chúng ta có thể xác định được các tình tiết được quy định trong Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và các tình tiết được quy định tại điểm c, mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP. Ngoài các tình tiết nói trên thì trong quá trình xét xử từng vụ án cụ thể, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ.
(v) Mức độ ảnh hưởng của mỗi tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đến việc quyết định hình phạt là không giống nhau. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có ý nghĩa pháp lý, xã hội, chính trị không đồng đều nhau, có tình tiết ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định hình phạt và đối với mọi trường hợp phạm tội, nhưng có tình tiết lại ảnh hưởng ít hơn. Không những thế, cùng một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng có mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với những tội khác nhau. Ví dụ: Tình tiết "Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra" có ý nghĩa lớn đối với trường hợp tội phạm là người phạm tội trộm cắp tài sản nhưng lại không có nhiều ý nghĩa trong trường hợp phạm tội giết người.
Thứ ba, áp dụng hình phạt trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể về mức hình phạt được giảm khi người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc quyết định hình phạt là do Hội đồng xét xử dựa trên những tình tiết thực tế của vụ án và biểu hiện của tội phạm.
Khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự quy định: "Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này"
Như vậy, trong trường hợp người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị xử và nằm trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn. Ví dụ: Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự, Khoản 1 có khung hình phạt từ 03 đến 10 năm tù, Khoản 2 có khung hình phạt từ 07 đến 15 năm tù. Nếu người phạm tội cướp tài sản theo Khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên thì Tòa án có thể quyết định mức hình phạt thấp hơn mức thấp nhất của khung là 07 năm tù nhưng không được thấp hơn 03 năm tù là mức thấp nhất của khung liền kề.
Trong trường hợp tội mà người phạm tội phạm phải chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt mà người đó phải chịu là khung thấp nhất của Điều luật thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Trong trường hợp này Tòa án phải ghi rõ lý do trong bản án.
Phạm vi hành nghề của luật sư trong lĩnh vực hình sự:
(i) Dịch vụ tranh tụng: Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo) và người bị tố giác (tố cáo); người bị tạm giữ, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; bị can, bị cáo trong toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại cơ quan tiến hành tố tụng các cấp;
Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc người đại diện cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;
(ii) Tư vấn pháp luật: Hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của khách hàng trong lĩnh vực hình sự.Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực pháp lý có liên quan đến lĩnh vực hình sự: hành chính, dân sự, hôn nhân, gia đình, đầu tư, doanh nghiệp, lao động, tài chính, kế toán… và nhiều lĩnh vực khác.
(iii) Đại diện theo ủy quyền: Trong lĩnh vực hình sự, luật sư có thể đại diện cho khách hàng ngoài tố tụng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
(iv) Dịch vụ pháp lý khác: Liên quan tới lĩnh vực hình sự, luật sư giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc về thủ tục hành chính, tư pháp; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại, dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch; giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định.
Bài viết thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Thị Phương Hoa - Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận