Cho vay nặng lãi có phạm tội không?

Hành vi cho vay nặng lãi, nếu thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc cho vay tiền có tính lãi suất là một dạng quan hệ hợp đồng trong giao dịch dân sự. Lãi suất vay trong hợp đồng dân sự sẽ do các bên thỏa thuận với nhau, Bộ luật dân dân sự quy định về mức lãi suất tối đa. Tuy nhiên, trên thực tế hiện tượng cho vay tiền với mức lãi suất cao hơn nhiều lần so với quy định của pháp luật rất phổ biến, nhiều trường hợp có dấu hiệu của tội phạm hình sự.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Về cơ sở pháp lý

Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: “1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Như vậy, hành vi cho vay nặng lãi, nếu thỏa mãn các dấu hiệu được quy định trong Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về các yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ mà bị tội phạm xâm phạm. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã xâm phạm đến hoạt động quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Nhà nước. Nhà nước quy định về lãi xuất cho vay của ngân hàng. Trong giao dịch dân sự, các bên có thể thỏa thuận với nhau về lãi suất nhưng không được vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định. Việc thỏa thuận lãi xuất vượt quá lãi xuất do pháp luật quy định sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội cho vay lãi nặng luôn thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp.

Phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Mục đích của người phạm tội là thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi, mục đích này luôn được đặt ra từ trước khi người phạm tội bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, tội phạm luôn nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình là sai trái và mong muốn hậu quả xảy ra để đạt được mục đích của mình.

Mặt Khách quan của tội phạm:

(i) Hành vi khách quan: Hành vi của người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi cho người khác vay tiền với lãi suất cao gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự.

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Theo đó, lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là 20%/năm. Như vậy, lãi suất gấp 05 lần trở lên lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là 100%/năm trở lên.
Thủ đoạn mà người phạm tội cho vay lãi nặng thường là lợi dụng những người gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất như bị thiên tai, bệnh tật hoặc những khó khăn khác cần gấp một số tiền lớn mà không có khả năng vay được chỗ nào khác để “ép” người vay phải chịu lãi suất cao.

(ii) Hậu quả: Hậu quả là điều kiện bắt buộc của tội phạm này. Hậu quả của tội cho vay nặng lãi là gây thiệt hại về tài sản cho người vay. Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người cho vay phải thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi từ 30.000.000 đồng trở lên mới phạm tội. Số tiền từ 300.000.000 đồng trở lên không bắt buộc là từ một người vay hay nhiều người vay, chỉ cần người cho vay thu lợi bất chính từ việc cho vay lãi nặng 300.000.000 đồng là đã thỏa mãn dấu hiệu về tội này.

Ngoài ra, trong trường hợp người có hành vi cho vay lãi nặng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng nhưng người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về tội cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

(iii) Mối quan hệ nhân quả: Mối quan hệ nhân quả là điều kiện bắt buộc của mọi tội phạm, nguyên nhân dẫn đến hậu quả phải là hành vi khách quan của tội phạm. Thiệt hại về tài sản của người vay phải từ hành vi cho vay nặng lãi gây ra chứ không phải từ nguyên nhân nào khác.

Chủ thể của tội phạm

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là tội phạm ít nghiêm trọng (hình phạt cao nhất là 03 năm tù). Vì vậy, những người dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội này, chủ thể của tội này phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

Về hình phạt đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tội này có 2 khung hình phạt:

(i) Khung hình phạt cơ bản: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm

(ii) Khung hình phạt tăng nặng: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Ngoài việc phải chịu hình phạt theo 1 trong 2 khung hình phạt như trên, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Việc áp dụng hình phạt bổ sung sẽ dựa vào mức độ, hành vi của tội phạm.

Luật gia Nguyễn Thị Phương Hoa - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].