Chứng cứ và chứng minh là một trong những vấn đề quan trọng nhất của tố tụng hình sự...
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã đổi mới chế định chứng cứ và chứng minh cho phù hợp với tình hình mới. Cụ thể như sau:
Chứng cứ và chứng minh là một trong những vấn đề quan trọng nhất của tố tụng hình sự. Toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự thực chất là quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, mặc dù cách thức tiến hành ở mỗi giai đoạn có khác nhau. Tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành về chứng cứ làm ảnh hưởng đến yêu cầu giải quyết vụ án, nhất là chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm “mạng”...
Nhằm tháo gỡ những bất cập trong pháp luật hiện hành, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những đổi mới quan trọng trong vấn đề chứng cứ và chứng minh.
Thứ nhất, thay đổi khái niệm chứng cứ theo hướng phá thế “độc quyền” trong việc thu thập chứng cứ (hiện đang chỉ giao cho cơ quan tố tụng); theo đó, bổ sung cho người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ, người bị buộc tội có quyền đưa ra chứng cứ: "Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án."
Thứ hai, quy định cụ thể cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây khó khăn trong thực tiễn thực hiện (Khoản 1, Khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
- Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
- Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
- Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
Thứ ba, bổ sung và quy định cụ thể trách nhiệm, trình tự, thủ tục các cơ quan tố tụng tiếp nhận và đánh giá chứng cứ do những người tham gia tố tụng cung cấp ( Khoản 4, 5 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015):
- Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Thứ tư, bổ sung vào hệ thống nguồn chứng cứ gồm: Dữ liệu điện tử; kết quả định giá tài sản; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác ( Khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015):"1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: (a) Vật chứng; (b) Lời khai, lời trình bày; (c) Dữ liệu điện tử; (d) Kết luận giám định, định giá tài sản; (đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; (e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; (g) Các tài liệu, đồ vật khác."
Thứ năm, quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm tính khách quan, tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của loại chứng cứ đặc thù này (Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015):"1. Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật.Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 2.Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. 3.Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử. 4.Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được. 5.Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử."
Thứ sáu, bổ sung nguyên tắc loại trừ chứng cứ (Khoản 2 Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015): Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án” nhằm khắc phục những biểu hiện tùy tiện, vi phạm phạm quyền con người, quyền công dân có thể xảy ra trong quá trình chứng minh về vụ án.
Thứ bảy, bổ sung đầy đủ những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự nhằm đặt yêu cầu đối với các cơ quan tố tụng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc khách quan, toàn diện, tránh tâm lý chủ quan, một chiều trong quá trình chứng minh về vụ án; theo đó, bổ sung trách nhiệm phải chứng minh: nguyên nhân và điều kiện phạm tội, những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt (Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015): Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
Có thể nói, những sửa đổi, bổ sung nêu trên đã góp phần hoàn thiện lý luận về chứng cứ; tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm trong thời kỳ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay.
Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật1900 6198, E-mail:[email protected].
Bình luận