Trong cuộc sống hàng ngày, con người gặp rất nhiều sự việc xuyên tạc, giả dối, “nói không thành có”. Những lúc như vậy, chúng ta thường có phản ứng xem đó là vu khống, là bịa đặt, xấu xa, đê tiện… Tuy nhiên, không phải tất cả những hành vi đó đều bị coi là tội phạm
Khi nào hành vi xuyên tạc, giả dối bị coi là tội phạm hình sự về tội vu khống?
Căn cứ khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội vu khống thì: Vu khống là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, theo quy định trên, một người chỉ bị coi là phạm tội vu khống khi và chỉ khi có một trong các hành vi sau đây:
Hành vi thứ nhất: Bịa đặt
Theo Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 Phần các tội phạm của thạc sỹ luật học Đinh Văn Quế - Chánh án Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao thì: “Bịa đặt là đưa ra những thông tin không đúng sự thật, tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có với người khác như: không tham ô thì bảo là tham ô, không quan hệ bất chính lại tố cáo là quan hệ bất chính, không nhận hối lộ lại tố cáo là nhận hối lộ…”. Hình thức đưa ra những thông tin nói trên có thể dưới những dạng khác nhau như: truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, viết đơn, thư tố giác… Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết những thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật nhưng đã thực hiện nhằm mục đích xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Hành vi thứ hai: Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt.
Người phạm tội tuy không bịa đặt nhưng lại loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: sao chép làm nhiều bản gửi đi nhiều nơi, kể lại cho người khác nghe, đăng tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng v.v... Người có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt có thể biết điều đó do ai bịa đặt hoặc cũng có thể chỉ biết đó là bịa đặt còn ai bịa đặt thì không biết. Người loan truyền phải biết rõ điều mình loan truyền là không có thực nếu họ còn bán tin bán nghi thì cũng chưa cấu thành tội vu khống.
Hành vi thứ ba: Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Đây là dạng hành vi đặc biệt của hành vi phạm tội vu khống. Là hành vi tố cáo trước cơ quan có thẩm quyền (Công an, Viện kiểm sát…) về một tội phạm xảy ra và người thực hiện tội phạm mà hoàn toàn không có thực. Trong trường hợp này, cần lưu ý là người phạm tội biết rõ người mình tố giác không có hành vi phạm tội nhưng vẫn tố giác họ.
Trong thực tế có nhiều trường hợp các cơ quan nhà nước nhận được tin báo về tội phạm và người phạm tội, sau khi xác minh thấy không có tội phạm xảy ra đã không khởi tố vụ án hình sự. Có trường hợp mặc dù đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thậm chí đã truy tố ra trước Tòa án và Tòa án đã kết án người bị tố cáo, nhưng sau khi kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ, tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập thì mới xác định tội phạm và người phạm tội bị tố cáo là không có thực. Tuy nhiên không phải vì thế mà cho rằng người tố cáo đã có hành vi vu khống mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể (căn cứ lý do, mục đích khác nhau của việc cung cấp tin báo tố giác tội phạm) để xác định người tố cáo không đúng đó có phải là vu khống không. Đây cũng là một vấn đề khá phức tạp cả về lý luận cũng như thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử hiện nay. Cần lưu ý rằng: Cả ba dạng hành vi nêu trên lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Mục đích nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người bị hại là yếu tố bắt buộc. Những thiệt hại này có thể đã xảy ra hoặc cũng có thể chưa xảy ra.
Về phía người bị hại - tức người bị vu khống phải là công dân (con người cụ thể) chứ không phải là pháp nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Người bị hại trong vụ án vu khống có thể bị xúc phạm danh dự, cũng có thể bị thiệt hại về tài sản hoặc những thiệt hại khác về tinh thần, về sức khoẻ... nhưng chủ yếu là thiệt hại về tinh thần (danh dự). Người phạm tội vu khống chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố hình sự.
Căn cứ khoản 1 Điều 156 BLHS thì Tội vu khống có khung hình phạt là: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 156 BLHS quy định người thực hiện hành vi phạm tội vu khống thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: “a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ; e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị “phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm” (Khoản 3 Điều 156 BLHS)
Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì các tội phạm nói chung và tội vu khống nói riêng ngày càng được thực hiện bởi những phương thức, thủ đoạn tinh vi và phức tạp. Đặc biệt, những năm vừa qua, rất nhiều người đã lợi dụng các trang mạng xã hội, điển hình là Facebook để đưa hình ảnh, video clip, phát tán thông tin xuyên tạc nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác, gây bức xúc trong dư luận. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Vì vậy, hành vi trên là vi phạm pháp luật, được quy định tại các cơ sở pháp lý sau đây:
Điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số: 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng cấm: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số:174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ: 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bộ luật dân sự quy định: “Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự mình cải chính; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại”
Ngoài ra, nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, vu khống là nghiêm trọng và có đủ căn cứ thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng: “Tội làm nhục người khác” hay “Tội vu khống”. Hai tội danh này có điểm chung là đều nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên tội làm nhục người khác thường thể hiện bằng lời nói như chửi rủa, sỉ nhục ở nơi đông người, bằng viết, vẽ hay những hành động khác có tính chất bỉ ổi.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự thì khi phát hiện hành vi có dấu hiệu như đã nêu trên, công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với cơ quan tổ chức bằng hai cách: tố giác bằng miệng hoặc viết đơn tố giác tội phạm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ nên tố giác tội phạm khi biết hành vi vi phạm pháp luật là có thật hoặc có cơ sở, căn cứ để tố giác về hành vi vi phạm pháp luật đó. Tránh trường hợp “gậy ông đập lưng ông”, bởi hành vi tố cáo người khác trước cơ quan có thẩm quyền là một trong ba dạng hành vi có thể cấu thành tội Vu khống như đã phân tích ở trên.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Chi nhánh Tây Hà Nội:Tầng 9, tòa nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận