Quán Bảo Oanh (Số 7 đường Thanh Niên, Hà Nội) bị 'khủng bố': Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Quan điểm pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest: Vụ Quán Bảo Oanh, số 7 đường Thanh Niên, bị 'khủng bố' - có dấu hiệu rõ ràng của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Cơ quan tố tụng cần khẩn trương khởi tố vụ án hình sự...

Nhóm côn đồ dùng dao, tuýp nước tấn công Quán Bảo Oanh - Số 07 đường Thanh Niên, Hà Nội
Nhóm côn đồ dùng dao, tuýp nước tấn công Quán Bảo Oanh - Số 07 đường Thanh Niên, Hà Nội

Tóm tắt diễn biến vụ việc Quán Bảo Oanh, số 7 đường Thanh Niên, Hà Nội, bị 'khủng bố'

Bà Bùi Thị Tuyết Oanh (sinh năm 1958, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) lo lắng, gửi đơn kêu cứu liên tục tới nhiều cơ quan chức năng tại Hà Nội: thời gian gần đây gia đình bà Bùi Thị Tuyết Oanh liên tục bị đe dọa, đập phá đồ đạc, thậm chí có người thân còn bị đánh đập. Đáng nói, sự việc đã kéo dài liên tục từ cuối năm 2018 tới nay, khiến gia đình bà Bùi Thị Tuyết Oanh ăn, ngủ không yên, lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng.

Theo bà Bùi Thị Tuyết Oanh, những người gây ra sự việc trên là gia đình bà Nguyễn Thị Bích (hàng xóm, cùng biển số nhà số 7 đường Thanh Niên, Hà Nội).

Bà Bùi Thị Tuyết Oanh kể: "Những ngày tháng gần đây, ngày nào bọn họ cũng đe dọa gia đình chúng tôi. Mới đây nhất vào khoảng 14h50 ngày 30/07/2019, bà Nguyễn Thị Bích cùng vợ chồng con trai và nhóm côn đồ khoảng trên 10 người đã trèo vào nhà tôi, liên tục có hành động đe dọa chúng tôi".

Những người này đã đập phá những đồ đạc như: xe máy, tủ bánh, camera, bạt, ô, bàn ghế..., đồng thời đục phá tường, thông cửa xông vào nhà bà Bùi Thị Tuyết Oanh, đạp vào vai, vào đầu, vào tai... nhân viên Quán Bảo Oanh, làm họ bị ngã ra sau.

Trước đó vào các ngày 26 và 27/07/2019, bà Nguyễn Thị Bích và con trai đã thực hiện những hành vi tương tự khiến ô bạt nhà bà Bùi Thị Tuyết Oanh bị hỏng không sử dụng được, toàn bộ bức tường nhà bị đổ, tủ đựng bánh vị vỡ nát, người nhà bà Bùi Thị Tuyết Oanh bầm tím chân tay và tính mạng gia đình bà Bùi Thị Tuyết Oanh bị đe dọa.

Cũng theo bà Bùi Thị Tuyết Oanh, trong nhiều ngày từ tháng 05/2019 đến tháng 07/2019, bà Nguyễn Thị Bích còn hắt nước và cát sang cửa hàng, ném vào đồ ăn đồ uống của khách hàng. Bà Nguyễn Thị Bích còn cho người dùng vòi cao áp xịt nước, ném vỏ quả dừa vào nhân viên của quán Bảo Oanh.

Ngày 17/06/2019, bà Nguyễn Thị Bích cùng nhóm côn đồ đe dọa, gây áp lực và xông vào tận nhà đấm đá, hành hung ông Nguyễn Văn Bảo (chồng của bà Bùi Thị Tuyết Oanh, gần 70 tuổi) bằng vỏ chai bia và tuýp sắt khiến ông Nguyễn Văn Bảo bị thương. "Hành vi của mẹ con bà Nguyễn Thị Bích và nhóm côn đồ đã làm đảo lộn cuộc sống và công việc kinh doanh hàng ngày của gia đình tôi, khiến mọi thành viên trong gia đình cũng như nhân viên nhà tôi luôn phải sống trong trạng thái hoang mang, lo sợ, bất an” - bà Bùi Thị Tuyết Oanh nói.

Trong suốt 01 năm nay, ước tính gia đình bà Bùi Thị Tuyết Oanh và Quán Bảo Oanh phải chịu khoảng 30 cuộc khủng bố, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trong khoảng thời gian trên, bà Bùi Thị Tuyết Oanh và Công ty Luật TNHH Everest đã nhiều lần gửi đơn tố cáo, công văn báo tin tội phạm và đề nghị khởi tố vụ án liên quan đến vụ việc xảy ra tại số 07, đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội diễn ra từ cuối năm 2018 đến nay. Ngày 05/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình đã ra thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm: “Xác định có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản ngày 30/07/2019 và Trộm cắp tài sản xảy ra ngày 12/09/2019 tại số 07 đường Thanh Niên, phường Trúc Bạch, Ba Đình Hà Nội".

Gần đây nhất, vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 30/09/2019, anh Phạm Văn Tân - là nhân viên của quán kem Bảo Oanh (số 07, đường Thanh Niên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) bị một nhóm côn đồ dùng chai Coca - Cola thủy tinh, tuýp sắt hành hung, đánh liên tiếp vào đầu, vai, tay tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, anh Phạm Văn Tân phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Sự việc này đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ thụ lý giải quyết.

Ngày 12/12/2019, anh Phạm Văn Tân nhận được thông báo về việc kết luận giám định pháp y thương tích: tỷ lệ tổn hại sức khỏe: 01% (một phần trăm)”.

g
Luật sư hình sự - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Đã có dấu hiệu rõ ràng của tội: ‘cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác’

Qua nhiều lần làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ, anh Phạm Văn Tân (bị hại) xác nhận về sự việc xảy ra ngày 30/09/2019: Tan làm, Phạm Văn Tân di chuyển từ Quán Bảo Oanh (đi bộ) về nhà thì gặp một nhóm đối tượng (không rõ tên, tuổi nhưng xác nhận là nhân viên nhà bà Nguyễn Thị Bích) chặn. Chưa kịp hỏi lý do thì Phạm Văn Tân vô cớ bị nhóm đối tượng này dùng chai Coca - Cola thủy tinh, tuýp sắt hành hung, đánh liên tiếp vào đầu, vai, tay mặc dù anh Phạm Văn Tân không có mâu thuẫn nào với nhóm côn đồ nêu trên.

Chúng tôi cho rằng: nhóm côn đồ đã cố ý hành hung, đánh anh Phạm Văn Tân. Mặc dù nhóm côn đồ nhận thức được việc dùng chai thủy tinh, tuýp sắt đánh liên tiếp vào đầu (vùng nguy hiểm), người anh Phạm Văn Tân sẽ gây thương tích nhưng vẫn cố tình đuổi đánh đến khi có người can ngăn và anh Phạm Văn Tân chạy được. Hậu quả anh Phạm Văn Tân bị “tổn hại sức khỏe: 01% (một phần trăm) - Kết luận giám định pháp y thương tích số 1019/TTPY) ngày 15/11/2019 của Trung tâm pháp y Hà Nội. Đây là trường hợp nhóm côn đồ sử dụng công cụ phương tiện có tính chất nguy hiểm cao (chai Coca - Cola thủy tinh, tuýp sắt), chưa gây ra thiệt hại đáng kể nhưng có khả năng đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của anh Phạm Văn Tân.

Hành vi này có đủ dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác’” được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự (tội phạm), với nhiều tình tiết tăng nặng định khung như: có tổ chức, dùng vũ khí, hung khí nguy hiểm... Do đó, để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân, bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội, các cơ quan tiến hành tố tụng cần khẩn trương khởi tố vụ án.


Hung khí nguy hiểm theo quy định của pháp luật hình sự

Hung khí nguy hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự

Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 1999) và Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) thì việc sử dụng "hung khí nguy hiểm" là một trong những căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định mức hình phạt đối với tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Bởi vì, việc dùng hung khí nguy hiểm sẽ làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nên đây là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiểu thế nào là hung khí nguy hiểm thì thực tiễn thời gian qua còn có sự nhận thức khác nhau.

Hung khí nguy hiểm theo các văn bản pháp luật có liên quan

Tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự: “Dùng hung khí nguy hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17.4.2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP nêu trên đã hướng dẫn: “2.1. Vũ khí là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12.8.1996 của Chính phủ). 2.2. Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. (a). Về công cụ, dụng cụ: Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…; (b). Về vật mà người mà người phạm tội chế tạo ra: Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ… c. Về vật có sẵn trong tự nhiên: Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…”.

Như vậy có thể thấy, hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP viện dẫn ở trên đã đồng nhất khái niệm “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khái niệm “sử dụng vũ khí, phương tiện khác” quy định trong tội cướp tài sản.