Trường hợp mẹ giết con được một tháng tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người được quy định tại Điều 93 thay vì tội giết con mới đẻ. Tuy nhiên,...
Hỏi: Gần đây tôi đọc báo thấy có bà mẹ bị trầm cảm sau khi sinh đã giết hại đứa con mới được một tháng của mình. Đề nghị Luật sư tư vấn, người này sẽ bị xử lý hình sự về tội gì? (Nguyễn Anh - Yên Bái) Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Liên quan đến vấn đề anh/chị quan tâm, chúng tôi trích dẫn quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 như sau:
"Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm" (Điều 94).
"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm" (Điều 93).
"Điều 13. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh" (Khoản 1 Điiều 13).
Bộ luật Hình sự năm 1999 không có hướng dẫn cụ thể thế nào được coi là giết con mới đẻ tuy nhiên nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao và Bộ luật Hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực thi hành) quy định con mới đẻ là 7 ngày kể từ ngày sinh con. Do đó, có thể thấy đường lối xác định chủ thể của loại tội phạm này là người mẹ có hành vi giết con của mình trong thời gian 07 ngày kể từ khi sinh con. Như vậy, trường hợp mẹ giết con được một tháng tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người được quy định tại Điều 93 thay vì tội giết con mới đẻ.
Tuy nhiên, chủ thể vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình khi người đó có đầy đủ năng lực hành vi hình sự, có khả năng nhận thức được hành vi sai trái của mình. Trường hợp người mẹ bị trầm cảm sau khi sinh, không nhận thức được hành vi của mình dẫn đến việc giết con thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người mà bị áp dụng các biện pháp khám chữa bệnh bắt buộc theo quy định.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận