Miễn truy tố là việc không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội trước Tòa án.
Miễn trách nhiệm hình sự là không buộc một người phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi trước Nhà nước do việc thực hiện tội phạm, do đó cũng không phải chấp hành hình phạt và các biện pháp cưỡng chế do luật hình sự quy định. Miễn trách nhiệm hình sự có các đặc điểm:
- Miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) chỉ áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội;
- Miễn TNHS đương nhiên chấm dứt TNHS đối với người phạm tội;
- Miễn TNHS thuộc thẩm quyền áp dụng của các cơ quan tư pháp hình sự.
Có thể thấy, giữa khái niệm miễn trách nhiệm hình sự và miễn truy tố có những nét tương đồng về đối tượng được áp dụng, thẩm quyền áp dụng và hệ quả pháp lý. Lịch sử lập pháp nước ta đã từng đồng nhất khái niệm miễn trách nhiệm hình sự và miễn truy tố. Công văn số 108/HĐNN7 ngày 13/06/1987 của Hội đồng Nhà nước giải thích một số vấn đề trong Bộ luật Hình sự đã giải thích: "Miễn tố là một khái niệm pháp lý được dùng trước khi có Bộ luật hình sự (BLHS). Với khái niệm này có những cách hiểu khác nhau. Vì vậy, Bộ luật hình sự không dùng khái niệm miễn tố nữa, mà dùng khái niệm miễn trách nhiệm hình sự (Điều 48 BLHS 1985). Miễn trách nhiệm hình sự là biện pháp chỉ áp dụng trong trường hợp đã xác định rõ hành vi của bị can là tội phạm, và xác định rõ bị can ở vào điều kiện quy định ở Điều 48 của Bộ luật hình sự để miễn trách nhiệm hình sự. Việc miễn trách nhiệm hình sự có thể được quyết định ở giai đoạn điều tra, cũng có thể được quyết định ở giai đoạn xét xử". Cách hiểu này có phần không hợp lý vì không thể đồng nhất một khái niệm mang tính nội dung (miễn trách nhiệm hình sự) và một khái niệm mang tính chất hình thức của thủ tục tố tụng (miễn truy tố) mặc dù trong cách lý giải của giải thích này cũng đã làm rõ một phần mối quan hệ giữa miễn trách nhiệm hình sự và miễn truy tố. Giữa khái niệm miễn trách nhiệm hình sự và miễn truy tố là mối quan hệ giữa pháp luật nội dung và pháp luật hình thức. Miễn TNHS được quy định trong BLHS và là căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) ra các quyết định chấm dứt TNHS cho người phạm tội. Miễn truy tố là một trong những loại quyết định đó và thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Nói cách khác, một người được miễn TNHS trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát thì họ sẽ nhận được quyết định miễn truy tố.
Đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố là những quy định trong BLTTHS nhằm dừng lại việc truy cứu trách nhiệm hình sự bị can tại giai đoạn truy tố khi có một số điều kiện luật định. Xem xét các căn cứ để đình chỉ vụ án trong BLTTHS hiện hành thì có thể phân loại các căn cứ này thành:
- Nhóm thứ nhất: Các căn cứ khiến việc tiếp tục truy tố bị can không còn đủ điều kiện để thực hiện. Nhóm này bao gồm các quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 107 BLTTHS (không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự). Nhóm căn cứ này có ý nghĩa đối với việc xác định có đủ căn cứ để truy tố bị can trước Tòa án hay không. Nếu trong giai đoạn truy tố xuất hiện các tình tiết này thì việc truy tố bị can sẽ không còn đủ căn cứ để thực hiện.
- Nhóm thứ hai: Các căn cứ khiến việc truy tố bị can mặc dù có đủ điều kiện để thực hiện nhưng vì xét thấy việc truy cứu TNHS bị can là không còn cần thiết hoặc bản thân bị can hoặc hành vi phạm tội của họ đáp ứng một số yêu cầu luật định nên không tiếp tục thực hiện. Nhóm này bao gồm: Khoản 2 Điều 105 BLTTHS (người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án); Khoản 6, 7 Điều 107 BLTTHS (Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết); Điều 19 BLHS (miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội); Điều 25 BLHS (Các trường hợp miễn TNHS); Điều 69 BLHS (miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội). Nhóm căn cứ này không ảnh hưởng đến căn cứ truy tố bị can trước Tòa án mà chủ yếu thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta. Việc đình chỉ vụ án khi có các tình tiết này không có nghĩa là chưa đủ căn cứ để truy tố bị can trước Tòa án mà chỉ vì trong một số trường hợp đặc biệt, việc truy cứu TNHS người phạm tội và hành vi của họ là không còn cần thiết. Việc chấm dứt quá trình truy cứu TNHS người phạm tội vừa thể hiện được chính sách nhân đạo vừa giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giảm tải được thủ tục tố tụng đối với các vụ án này.
Lịch sử lập pháp nước ta chưa bao giờ đồng nhất miễn truy tố và đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố. Điều 7 Chương II, Thông tư liên bộ số 427/TT-LB giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 28/6/1963 quy định: “Khi nhận được bản cáo trạng và hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát có trách nhiệm thẩm tra nhanh chóng và ra một trong những quyết định sau:
- Phê chuẩn bản cáo trạng và truy tố bị can ra trước tòa;
- Miễn tố bị can hoặc đình cứu vụ án theo quy định của pháp luật;
- Hoàn lại hồ sơ để cơ quan công an điều tra bổ sung...”
Điểm d Điều 15 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1960 quy định: “Khi kiểm sát việc điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có quyền truy tố hoặc miễn tố can phạm; đình cứu các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật”. Tuy vậy, những văn bản này cũng chưa đưa ra các căn cứ để đình chỉ vụ án và các căn cứ để miễn truy tố. Đến khi có các BLTTHS 1988 và 2003 thì khái niệm miễn truy tố không còn được sử dụng mà chỉ còn có đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố với các căn cứ gồm cả nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai nêu trên. Việc quy định này dễ dẫn đến sự đánh đồng các trường hợp không đủ điều kiện truy tố với đủ điều kiện truy tố nhưng được miễn truy tố. Ví dụ: Điều 169 BLTTHS 2003 quy định: “Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 BLHS” (khoản 2 Điều 105 BLTTHS quy định trường hợp bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án; Điều 107 BLTTHS quy định các trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự; Điều 19 BLHS quy định về miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội; Điều 25 BLHS quy định về miễn trách nhiệm hình sự, khoản 2 Điều 69 BLHS quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội).
Nếu nghiên cứu việc quy định miễn truy tố đặt trong mối quan hệ với cả miễn TNHS và đình chỉ vụ án như đã phân tích ở trên thì các vấn đề cần đặt ra để giải quyết là:
- Thứ nhất, việc xây dựng căn cứ miễn truy tố cần phải hài hòa giữa luật nội dung và luật hình thức cũng như hài hòa giữa chính bản thân căn cứ miễn truy tố và căn cứ đình chỉ vụ án. Bản thân căn cứ đình chỉ vụ án cũng cần phải sửa đổi để hợp lý hơn. Ngoài ra, nếu BLTTHS có thể tách bạch miễn truy tố và đình chỉ vụ án trong giai đoạn điều tra thì sẽ càng xác định rõ được trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng các chế định này. Có thể khẳng định được như vậy vì xuất phát từ nguyên tắc nghĩa vụ xác định sự thật vụ án thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp không truy tố vì trong suốt quá trình điều tra, truy tố không củng cố được căn cứ để truy tố mà cuối cùng lại xác định là hành vi không cấu thành tội phạm hoặc bị can không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự sẽ khác với trường hợp xác định rằng có đủ điều kiện để truy tố bị can trước Tòa án nhưng vì một số lý do nhất định mà bị can được miễn truy tố. Tinh thần này cũng đã được thể hiện trong Luật bồi thường Nhà nước 2009 khi các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ phải bồi thường oan sai khi vụ án bị đình chỉ vì bị can không phạm tội mà không đề cập đến các trường hợp bị đình chỉ khác (Điều 32, 33 Luật bồi thường Nhà nước).
- Thứ hai, việc xây dựng các căn cứ miễn truy tố không chỉ dựa trên các trường hợp miễn TNHS mà còn có thể có một số căn cứ khác mà nếu có các căn cứ đó sẽ khiến cho việc truy tố không còn cần thiết. Thêm vào đó, khi nghiên cứu thực tiễn xét xử ở Việt Nam thấy rằng các căn cứ miễn TNHS theo quy định tại Điều 25 BLHS là chưa thực sự đầy đủ và bao quát hết được các tình huống trên thực tế. Nhiều trường hợp các Cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ để miễn TNHS cho một người mặc dù trường hợp của người đó đang được miễn TNHS hoặc việc xử lý TNHS người đó có thể sẽ không đem lại lợi ích công cộng... Bản thân các quy định về đình chỉ vụ án với các căn cứ là miễn TNHS trong BLTTHS cũng không liệt kê hết các trường hợp miễn TNHS được quy định trong BLHS. Ngoài các trường hợp miễn TNHS tại Điều 19, Điều 25, Điều 69 tại phần chung còn có một số trường hợp miễn TNHS tại phần các tội phạm như khoản 3 Điều 80, khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290, khoản 3 Điều 314. Việc quy định các căn cứ miễn truy tố cùng với việc hoàn thiện các căn cứ miễn TNHS cần thực hiện đồng thời để tránh sự chồng chéo hoặc thiếu sót...
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận