Miễn truy tố trong Tố tụng hình sự

Nếu truy tố là hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trước Tòa án thì miễn truy tố là việc không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội trước Tòa án.

Lịch sử pháp luật tố tụng hình sự của nước ta đã từng ghi nhận chế định miễn truy tố và các vấn đề có liên quan tại các văn bản như: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960; Thông tư liên bộ số 427/TT-LB giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 28/6/1963 quy định tạm thời một số nguyên tắc về quan hệ công tác giữa VKSNDTC và BCA; Thông tư liên bộ số 1/TT-LB ngày 23/1/1984 giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ về quan hệ giữa hai ngành kiểm sát và công an trong công tác điều tra và kiểm sát điều tra; Thông tư liên bộ số 03/TT-LB ngày 23/4/1984 giữa Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về chế độ thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng và tài sản tạm giữ trong các vụ án hình sự... Trong giai đoạn này, việc nghiên cứu quy định miễn truy tố mới chỉ dừng lại ở chỗ đưa ra khái niệm và một số hậu quả pháp lý tố tụng hình sự của chế định này. Quá trình pháp điển hóa Bộ luật Tố tụng Hình sự vào năm 1988 và 2003, chế định miễn truy tố không còn được quy định nữa. Tuy nhiên, qua nghiên cứu có thể thấy khái niệm miễn truy tố phải được xây dựng xuất phát từ khái niệm truy tố. Truy tố là một thuật ngữ được xem xét dưới nhiều góc độ:

- Truy tố là một giai đoạn của tố tụng hình sự: Trình tự giải quyết một vụ án hình sự phải trải qua các giai đoạn: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Dưới góc độ này, truy tố là giai đoạn mà cơ quan công tố (Viện kiểm sát, Viện công tố) sẽ đưa ra các quyết định thuộc thẩm quyền như: quyết định truy tố bị can; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

- Truy tố là hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trước Tòa án. Dưới góc độ này, truy tố là một thủ tục tố tụng hình sự và là một trong những nội dung của chức năng thực hành quyền công tố và xét về mặt hình thức thì truy tố được thể hiện bằng bản cáo trạng (nếu vụ án được giải quyết theo thủ tục thông thường) hoặc quyết định truy tố (nếu vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn). Truy tố, cùng với hoạt động điều tra, hoạt động xét xử tạo thành một cơ chế vận hành liên tục, thống nhất với mục đích cuối cùng là nhân danh Nhà nước để xử lý hành vi phạm tội, người phạm tội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6218
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Nếu truy tố là hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trước Tòa án thì miễn truy tố là việc không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội trước Tòa án.

Từ khái niệm trên, có thể rút ra một số đặc điểm của miễn truy tố như sau:

- Thứ nhất, truy tố chỉ được đặt ra đối với bị can thì miễn truy tố cũng phải là thủ tục tố tụng được đặt ra đối với bị can, tức là họ đã bị khởi tố, điều tra về hình sự. Không thể có thủ tục miễn truy tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội nhưng không có tư cách bị can (người chưa bị khởi tố hình sự, bị cáo).

- Thứ hai, truy tố được đặt ra đối với bị can mà hành vi phạm tội của họ đã thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS và đã được chứng minh qua các thủ tục tố tụng từ khởi tố, điều tra đến truy tố thì tương tự miễn truy tố cũng được đặt ra với đối tượng nêu trên; và mặc dù có đủ điều kiện để truy tố họ trước Tòa án nhưng vì có các căn cứ xét thấy việc truy tố này không cần thiết nên cho họ được hưởng chế định miễn truy tố. Không thể có thủ tục miễn truy tố đối với bị can mà hành vi của họ không thỏa mãn cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của họ. Đặc điểm này giúp phân biệt thủ tục miễn truy tố với đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố.

- Thứ ba, ngược lại với truy tố, miễn truy tố làm đương nhiên chấm dứt quá trình tố tụng đối với bị can trong vụ án hình sự. Bị can không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước Tòa án nữa, do đó họ không bị xét xử, không phải chịu hình phạt hoặc các biện pháp cưỡng chế hình sự khác... mà đáng ra họ phải chịu trên thực tế. Về mặt hình thức, miễn truy tố được thể hiện bằng quyết định miễn truy tố nên vẫn có thể bị kiến nghị, kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Việc kiến nghị, kháng cáo, kháng nghị này có thể dẫn đến hệ quả pháp lý là bị can vẫn có thể bị truy tố trước Tòa án, bị xét xử và phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng đây không phải là trường hợp nói lên bản chất của miễn truy tố.

- Thứ tư, miễn truy tố thuộc thẩm quyền áp dụng của Viện kiểm sát (Viện Công tố). Viện kiểm sát là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc truy tố, có thẩm quyền quyết định có cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự một người trước Tòa án hay không. Nếu việc truy tố là cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố, còn nếu có đủ căn cứ để miễn truy tố người đó thì Viện kiểm sát ra quyết định miễn truy tố.

Từ những phân tích trên, có thể thấy hoạt động miễn truy tố có mối quan hệ thống nhất, hữu cơ, biện chứng với hoạt động truy tố. Nếu truy tố đặt ra với bị can mà đã có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ trước Tòa án thì miễn truy tố cũng chỉ được đặt ra trong trường hợp nêu trên, có điều việc truy tố lúc này là không cần thiết nên Viện kiểm sát quyết định miễn truy tố. Nếu không đủ căn cứ để truy tố thì cũng không đủ căn cứ để miễn truy tố.

Việc quy định chế định miễn truy tố trong BLTTHS sửa đổi là cần thiết để trước hết nhằm hoàn thiện hơn nữa các thủ tục tố tụng hình sự và bên cạnh đó cũng thể hiện sự nhận thức lại về hoạt động truy tố của Viện kiểm sát, có truy tố thì phải có miễn truy tố.

Nguồn: Tks.edu.vn

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].