Kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra (CQĐT) là hoạt động kiểm sát có vai trò rất quan trọng, nhằm bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của CQĐT đúng pháp luật.
Điều 112, 114 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định quyền của Viện kiểm sát đề ra “yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra; khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định…”, quy định “Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát” nhưng những yêu cầu và quyết định này là những yêu cầu điều tra và quyết định trong quá trình điều tra vụ án (sau khi có quyết định khởi tố vụ án). Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định quyền hạn này của Viện kiểm sát, đây là khó khăn vướng mắc, cần có biện pháp tháo gỡ.
Thời hạn điều tra vụ án hình sự được quy định tại điều 109 BLTTHS, trong trường hợp cần thiết có thể được gia hạn điều tra 2 lần và trong trường hợp đặc biệt có thể được gia hạn điều tra lần thứ ba. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định tại điều 103 BLTTHS là tối đa là 2 tháng. Tuy nhiên đối với các Tố giác, tin báo về tội phạm phức tạp cần có thời gian xác minh, chờ kết quả giám định. Vụ việc xảy ra ở nhiều nơi, đối tượng bị tố giác bỏ trốn thì 02 tháng không thể giải quyết dứt điểm được. Đây là một vướng mắc trong thực tế. Đối với những tin khi xác minh đã hết thời hạn 2 tháng chưa thể kết luận được có dấu hiệu của tội phạm hay chỉ là các quan hệ pháp luật khác thì không thể ban hành một trong hai hình thức giải quyết là ra quyết định khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án, những vụ việc này thường phải tiếp tục thu thập tài liệu xác minh do đó việc vi phạm về thời hạn giải quyết là điều phải chấp nhận trên thực tế.
Đối với một số trường hợp hết thời hạn giải quyết nhưng không có điều kiện kết luận giải quyết (trong điều tra vụ án hình sự có hình thức xử lý là tạm đình chỉ) như: người tố giác sau khi gửi đơn tố cáo bỏ đi khỏi nơi cư trú…, có những nguyên nhân khách quan dẫn đến CQĐT không thể xác minh được tài liệu để kết luận. Tại điều 13 Thông tư liên tịch số 06 ngày 02/8/2013 quy định:
“Trường hợp đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chưa đủ căn cứ để quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để thống nhất quan điểm giải quyết.”.
Đây là một quy định mở và dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. “Thống nhất quan điểm giải quyết” bằng quyết định tố tụng nào khi không thể ban hành quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự? Khi hết thời hạn 2 tháng, hai cơ quan thống nhất ra thông báo tạm dừng lại không xác minh tiếp thì có vi phạm không? Thực tế có quan điểm cho rằng “xếp hồ sơ” vậy khái niệm “xếp hồ sơ” này là như thế nào? Bằng hành vi, quyết định pháp lý nào? Có khác với việc ban hành văn bản Thông báo tạm dừng xác minh không? Khi ra thông báo tạm dừng này có thể “người tố giác tội phạm” sẽ khiếu nại về việc giải quyết của CQĐT, tiếp tục xác minh giải quyết thì vi phạm về thời hạn do chưa có quy định về việc gia hạn thời hạn giải quyết…
Công an cấp huyện còn có cơ quan cấp dưới đó là công an cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là công an cấp xã), một số hoạt động của công an cấp này là hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp. Công an cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận, phân loại, xử lý ban đầu các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã nếu là tố giác, tin báo tội phạm thì chuyển đến CQĐT…. Như vậy, hoạt động tiếp nhận, phân loại ban đầu các tin báo, vụ việc nêu trên của công an cấp xã là hoạt động tư pháp nhằm phân loại xử lý, tin báo và tố giác tội phạm thuộc lĩnh vực hình sự. Nhưng hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát hoạt động nêu trên của công an cấp xã nhằm tránh việc phân loại xử lý ban đầu của công an cấp xã không đúng, bảo đảm cho việc tuân theo pháp luật và tránh bỏ lọt tội phạm.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà Times, 35 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận