Trong thực tiễn tố tụng, không loại trừ những trường hợp làm oan, sai ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tổ tụng.
Cùng với việc quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cần phải quy định về quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người tham gia tố tụng trong các trường hợp.
Căn cứ pháp lý nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
Những nguyên tắc này hiện nay được quy định tại Điều 31 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
“1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.
2. Người khác bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra có quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại.”
Nội dungNguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thể hiện ở những điểm sau:
+ Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
Người bị oan, bị xử lí trái pháp luật là người bị giữ, bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyển tiến hành tố tụng xác định người đó không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi của họ không cấu thành tội phạm hoặc họ đã bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định xử lí trái pháp luật.
Những hoạt động và quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã gây ra những hậu quả bất lợi đối với họ, các quyền con người, quyền công dân cơ bản của họ bị vi phạm, nên họ có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự.
Trách nhiệm của nhà nước trong nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ ràng, cụ thể những trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; những trường hợp Nhà nước không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; chủ thể có trách nhiệm bồi thường ttong các trường hợp cụ thể... Việc bồi thường được tiến hành trên cơ sở thương lượng hoặc toà án giải quyết.
Người khác bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra có quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại.
Ngoài người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật, những người khác bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra cũng có quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại.
Ý nghĩa nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
Nguyên tắc này có ý nghĩa bảo đảm khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra; nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong các hoạt động tố tụng, giúp cho việc giải quyết vụ án đúng đắn và hợp pháp.
Nguyên tắc này thể hiện sự kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta trong việc khắc phục các trường hợp làm oan, sai đối với người tham gia tố tụng và xử lí những người có trách nhiệm, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, qua đó nâng cao uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Để thực hiện nguyên tắc này cần phải có những quy định pháp luật đầy đủ, cụ thể và hợp lí làm cơ sở cho việc giải quyết bồi thường, khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.
Có cơ chế phù hợp, có hiệu quả để thực hiện; nâng cao trình độ nhận thức của công dân để họ biết và thực hiện tốt quyền được yêu cầu khôi phục danh dự và bồi thường thiệt hại.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected].
Bình luận