Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.
Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, bản chất của Nhà nước ta là nhà nước dân chủ. Vì vậy, việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là một ttong những nhiệm vụ của pháp luật nói chung cũng như pháp luật tố tụng hình sự nói riêng.
Luật tố tụng hình sự là công cụ sắc bén của Nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, thể hiện rõ quyền lực Nhà nước.
Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
Trong quá trình tố tụng, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành những hoạt động tố tụng và ra những quyết định tố tụng có tính bắt buộc đối với cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có liên quan.
Trong các hoạt động và quyết định đó, có những hoạt động và quyết định động chạm đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân đã được Hiến pháp quy định. Đó là quyền năng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để các chủ thể này thực hiện nhiệm vụ của mình.
Điều đó đòi hỏi phải xác định trách nhiệm của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Theo đó, khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời huỷ bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết.
Nguyên tắctôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân nàycó tính khái quát cao
Nguyên tắc này có tính khái quát cao, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân được quy định trong Hiến pháp được thể hiện ở nhiều nguyên tắc khác của tố tụng hình sự: Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015); bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân (Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015); bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân (Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015)...
Nội dung của nguyên tắctôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nội dung của nguyên tắc này là xác đinh trách nhiệm của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, thể hiện ở những nội dung sau:
Phải tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tham gia tố tụng;
Chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng trong những trường hợp cần thiết và theo đúng quy định của pháp luật;
Thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng. Nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa, cần kịp thời huỷ bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó.
Ý nghĩa nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
Nguyên tắc này có ý nghĩa trong việc bảo đảm các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tăng cường dân chủ trong tố tụng hình sự. Đồng thời, nguyên tắc này cũng góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa và bảo đảm việc xác định sự thật vụ án được khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Cơ sở thực hiện nguyên tắctôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
Để có cơ sở thực hiện nguyên tắc này cần phải có những quy định cụ thể. Những quy định đó phải xác định rõ nội dung quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; xác định rõnhững điều kiện cần thiết để áp dụng các biện pháp tố tụng; quy định rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có hành vi vi phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Các quy định này cần phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội để đảm bảo tính khả thi, tránh tình trạng dân chủ hình thức.
Ngoài ra, cần có đội ngũ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp.
Quyền con người, các quyền cơ bản của cá nhân có được tôn trọng và bảo vệ hay không là phụ thuộc vào việc thực thi pháp luật của những chủ thể này.
Bên cạnh đó, phải tăng cường giáo dục ý thức pháp luật của nhân dân để họ nhận thức rõ và thực hiện tốt hơn các quyền của mình và cần có cơ chế phù hợp tổ chức thực hiện.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected].
Bình luận