Phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội gây rối trật tự công cộng

Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, ....

Hỏi: Anh trai tôi vừa qua đã bị cơ quan có thẩm quyền truy tố về tội gây rối trật tự công cộng. Cụ thể, anh trai tôi sau một lần uống rượu say đã gây hấn với một người ở làng bên cạnh, sau đó anh trai tôi về nhà lấy côn và sang đánh người đó, người bị đánh thương tích nặng được giám định là 32%. Anh trai tôi đang làm kế toán tại một doanh nghiệp nhà nước, cư trú rõ ràng, nhân thân tốt. Đề nghị luật sư tư vấn, anh trai tôi có thể bị được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ không? (Phạm Thị Trâm – Yên Bái)
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Thuỳ - Công ty Luật TNHH Everest – trả lời:

Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định như sau:
“Cải tạo không giam giữ
Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ” (Khoản 1 Điều 31).
“Khái niệm tội phạm
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình” (Khoản 3 Điều 8).
“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; b) Có tổ chức; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm” (Điều 245).
Nghị quyết số 02/2003/NQ – HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng" và "gây cản trở giao thông nghiêm trọng" quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự như sau: “5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự: đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên”.
Xét trong trường hợp của chị thì anh trai chị đã có hành vi gây rối trật tự công cộng, cụ thể anh trai chị đã có hành vi dùng côn làm người khác bị thương gây thương tích 32%, do vậy anh trai chị sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Như vậy, tội phạm mà anh trai chị phạm phải thuộc loại tội phạm nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự, nên anh trai chị có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ từ sáu tháng đến ba năm theo Điều 31 Bộ luật Hình sự.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.