Quy định về thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh

Luật thi hành án hình sự năm 2010, ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực từ ngày 01/07/2011 và các văn bản liên quan quy định cụ thể về thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật thi hành án hình sự buộc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc người đang chấp hành án bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải điều trị tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo bản án, quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Quy định pháp luật về thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh

Theo điểm 12 Điều 3 Luật thi hành án hình sự thì thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật thi hành án hình sự buộc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc người đang chấp hành án bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải điều trị tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo bản án, quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát.

Về thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, theo quy định tại Điều 116 Luật thi hành án hình sự thì cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra có thẩm quyền đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong giai đoạn thi hành án có thẩm quyền đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu nơi có trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh.

Về cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh, pháp luật giao cho cơ quan có thẩm quyền đề nghị.

Hồ sơ bao gồm:

+ Quyết định của Viện kiểm sát hoặc Toà án về áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
+ Kết luận của Hội đồng giám định y khoa;
+ Lý lịch cá nhân của người chấp hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
+ Tài liệu khác có liên quan.

Trường hợp Toà án, Viện kiểm sát tự mình quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh thì Toà án, Viện kiểm sát đã ra quyết định có trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong giai đoạn thi hành án đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh.

Quy định về thủ tục đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh và việc tổ chức điều trị cho họ

Theo quy định tại Điều 117 Luật thi hành án hình sự thì thủ tục đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như sau:

- Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong giai đoạn thi hành án có nhiệm vụ giao người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo cho bệnh viện tâm thần được chỉ định theo quyết định của Viện kiểm sát hoặc Toà án, đồng thời sao gửi quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

- Bệnh viện tâm thần được Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định có trách nhiệm tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo, lập biên bản giao nhận. Cơ quan có trách nhiệm đưa người vào bệnh viện tâm thần phải thông báo cho gia đình hoặc thân nhân của người bị áp dụng biện pháp tư pháp nơi người đó đang được chữa bệnh.

Về việc tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh, Điều 118 Luật thi hành án hình sự quy định như sau:

- Bệnh viện tâm thần có trách nhiệm quản lý, tổ chức điều trị bệnh cho người bị bắt buộc chữa bệnh và không được phân biệt đối xử.

- Trong thời gian bắt buộc chữa bệnh, thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh được gặp và phối hợp chăm sóc người bị bắt buộc chữa bệnh và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp, chăm sóc của bệnh viện tâm thần.

- Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn, bệnh viện tâm thần phải lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và gia đình của người đó biêt để phối hợp truy tìm, đưa người đó trở lại bệnh viện tâm thần.

- Chi phí điều trị (tiền viện phí, tiền thuôc và các chi phí khác phục vụ cho việc chữa bệnh) cho người bị bắt buộc chữa bệnh do Nhà nước cấp.

Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết thì giải quyết như thế nào?

Theo quy định tại Điều 120 Luật thi hành án hình sự, trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết thì giải quyết như sau:

- Giám đốc bệnh viện tâm thần phải báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp tỉnh nơi bệnh viện đóng để xác định nguyên nhân chết, thông báo cho thân nhân của người chết, cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án, trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Viện kiểm sát, Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

- Sau khi được Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền cho phép, bệnh viện có trách nhiệm mai táng. Kinh phí cho việc mai táng do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp thân nhân của người chết đề nghị nhận tử thi để an táng và tự chịu chi phí thì bệnh viện giao cho họ thực hiện.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].