So sánh tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ

Đối tượng tác động của hành vi đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ hết sức đặc biệt, chính là chủ thể của tội nhận hối lộ, là người có chức vụ, quyền hạn

Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về Tội đưa hối lộ như sau: “1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm…5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ. 6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ".

Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về Tội làm môi giới hối lộ như sau: "1. Người nào làm môi giới hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm…5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ. 6. Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1. Giống nhau

- Về khách thể của tội phạm, hành vi đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ đều xâm hại một loại khách thể đó là những quan hệ xã hội bảo đảm cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, qua đó làm giảm uy tín của các cơ quan, tổ chức này.

- Về đối tượng tác động: Đối tượng tác động của hành vi đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ hết sức đặc biệt, chính là chủ thể của tội nhận hối lộ, là người có chức vụ, quyền hạn. Theo quy định tại Điều 277 BLHS, người có chức vụ là “người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”.

- Về mặt chủ quan của tội phạm: Điều 289 và 290 BLHS không nêu cụ thể hình thức lỗi. Tuy nhiên, từ hành vi khách quan, tên tội danh… đã phản ánh tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp.

2. Khác nhau

- Tội đưa hối lộ: Hành vi đưa hối lộ chỉ được gọi tên tại Điều 289: “Người nào đưa hối lộ…”. Như vậy, hành vi ở đây chỉ gồm có hành vi “đưa” của hối lộ chứ chưa bao gồm các hành vi “gợi ý đưa”, “hứa đưa” của hối lộ. Hành vi đưa của hối lộ đó có thể được thực hiện dưới bất kể hình thức nào, có thể do người đưa hối lộ trực tiếp đưa hoặc đưa qua người làm môi giới, có thể đưa trao tay có thể gửi qua các dịch vụ chuyển gửi v.v…

Theo quy định này, tội đưa hối lộ chỉ cấu thành khi người đưa hối lộ đó có hành vi đưa “của hối lộ”. Điều này đã thể hiện sự không thống nhất với Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ vì được xác định là hành vi “đã nhận hoặc sẽ nhận” của hối lộ.

- Tội môi giới hối lộ: Hành vi làm môi giới hối lộ cũng được Điều 280 BLHS nêu tên: “Người nào làm môi giới hối lộ…”. Như vậy, người làm môi giới hối lộ chỉ cần truyền đạt thỏa thuận hối lộ giữa các bên đưa hối lộ và nhận hối lộ là tội phạm đó hoàn thành. Ngoài ra, hành vi làm môi giới hối lộ còn có đặc điểm là nó được chủ thể (người môi giới) thực hiện một cách khách quan, theo sự yêu cầu của các bên, thể hiện vai trò làm cầu nối của chủ thể đối với việc đưa và nhận hối lộ. Hành vi làm môi giới chủ yếu nhằm giúp các bên đi đến thỏa thuận hối lộ chứ không can thiệp vào nội dung thỏa thuận. Nếu người thực hiện vai trò trung gian hối lộ xuất phát từ lập trường chủ quan của mình (không phải do yêu cầu của người đưa hoặc nhận hối lộ) thì đó là người đồng phạm đưa hối lộ hoặc nhận hối lộ chứ không phải người làm môi giới hối lộ.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].