Tạm đình chỉ điều tra là việc vì lý do khách quan mà cơ quan điều tra phải tạm dừng các hoạt động điều tra nhưng chưa đưa ra những kết luận cuối cùng về kết quả điều tra, chưa khẳng định về việc tiếp tục điều tra hay không.
Có thể hiểu tạm đình chỉ điều tra là việc cơ quan điều tra quyết định tạm dừng mọi hoạt động điều tra đối với vụ án hình sự; bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.
Căn cứ pháp lý của tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự như sau:
"1. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: (a) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra; (b) Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra; (c) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
2. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
3. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ." (Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Ý nghĩa của việc tạm đình chỉ điều tra
Khi có những căn cứ được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra. Việc quyết định tạm đình chỉ điều tra có ý nghĩa như sau: – Ý nghĩa của việc quy định về tạm đình chỉ điều tra là nhằm hạn chế tối đa khả năng kéo dài thời hạn điều tra khi không cần thiết, đồng thời khắc phục việc lạm dụng thời hạn điều tra.
Quy định về tạm đình chỉ điều tra còn nhằm khắc phục hiện tượng quá tải, tồn động án ở khâu điều tra khi có những yếu tố bất khả kháng, để giảm bớt nhu cầu sử dụng lực lượng điều tra và giảm tối đa những chi phí vật chất không cần thiết cho hoạt động tố tụng này.
Mặt khác, tạm đình chỉ điều tra còn là một giải pháp có ý nghĩa chủ động trong việc đề phòng những oan sai có thể xảy ra trong thực tiễn điều tra.
Việc tạm đình chỉ điều tra sẽ giúp cơ quan điều tra giảm bớt khả năng phải xin gia hạn điều tra khi không cần thiết phải kéo dài thời gian chờ để tiến hành các hoạt động điều tra cần thiết tiếp theo.
Các trường hợp tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự
(i) Chưa xác định được bị can hoặc hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra
Để quyết định tạm đình chỉ điều tra trong trường hợp này, cơ quan ra quyết định tạm đình chỉ điều tra phải căn cứ vào Khoản 1 Điều 172 của Bộ luật Tố tụng hình sự và tính chất của vụ án, tội phạm đã được khởi tố và điều tra, để xác định còn thời hạn điều tra hay không. Trong trường hợp này, Điều luật không chỉ xác lập quyền tạm đình chỉ điều tra cho cơ quan tiến hành điều tra hoặc kiểm sát điều tra mà còn xác định đây là nghĩa vụ của các cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ điều tra khi thời hạn điều tra đã hết. Vì thế Điều luật chỉ cho phép tạm đình chỉ điều tra khi chưa xác định được bị can mà đã hết thời hạn điều tra. Còn đối với trường hợp đã xác định được bị can, nhưng hết thời hạn điều tra mà không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra. Trong trường hợp đó, để bảo đảm tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra phải xin gia hạn điều tra.
(ii)Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo
Đối với trường hợp tạm đình chỉ điều tra khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác thì luật quy định phải có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y. Trong trường hợp này, việc tạm đình chỉ điều tra có thể được thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của điều tra.
Hội đồng giám định pháp y được nói trong điều luật là cơ quan được cơ quan điều tra trưng cầu giám định. Khoản 3 Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: khi có những vấn đề cần được xác định (theo quy định tại khoản 3 điều này), hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ.
Như vậy, trong trường hợp này việc trưng cầu giám định và ý kiến xác nhận của Hội đồng giám định pháp y là nhằm làm rõ tình trạng bệnh tâm thần của bị can xem bị can có đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay không và bệnh hiểm nghèo khác của bị can có khả năng ảnh hưởng đến kết quả của các hoạt động điều tra hay không. Trong trường hợp bị can bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác có ảnh hưởng đến hoạt động điều tra thì cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ điều tra cho đến khi tình trạng sức khỏe của bị can không còn cản trở việc tiến hành các hoạt động điều tra và phục hồi điều tra để tiếp tục làm rõ vụ án hình sự.
Theo quy định của Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự thì việc tạm đình chỉ điều tra trong trường hợp này là quyền của cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra có thể không tạm đình chỉ điều tra nếu xét thấy việc bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo không cản trở đến việcđiều tra vụ án.
(iii)Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra
Trường hợp đang trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài mà chưa có kết quả nhưng hết thời hạn điều tra thì cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra. Trong trường hợp này, tuy đã có quyết định tạm đình chỉ điều tra nhưngviệc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định một cách rõ ràng hơn và bổ sung thêm thời hạn gửi quyết định điều tra là 02 ngày. Ngoài ra, điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 còn quy định thêm về các đối tượng được nhận quyết định tạm đình chỉ điều tra đó là Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ.
Phạm vi hành nghề của luật sư trong lĩnh vực hình sự:
(i) Dịch vụ tranh tụng: Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo) và người bị tố giác (tố cáo); người bị tạm giữ, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; bị can, bị cáo trong toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại cơ quan tiến hành tố tụng các cấp;
Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc người đại diện cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;
(ii) Tư vấn pháp luật: Hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của khách hàng trong lĩnh vực hình sự.Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực pháp lý có liên quan đến lĩnh vực hình sự: hành chính, dân sự, hôn nhân, gia đình, đầu tư, doanh nghiệp, lao động, tài chính, kế toán… và nhiều lĩnh vực khác.
(iii) Đại diện theo ủy quyền: Trong lĩnh vực hình sự, luật sư có thể đại diện cho khách hàng ngoài tố tụng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
(iv) Dịch vụ pháp lý khác: Liên quan tới lĩnh vực hình sự, luật sư giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc về thủ tục hành chính, tư pháp; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại, dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch; giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định.
Bài viết thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật1900 6198, E-mail:[email protected].
Bình luận