Thế nào là tội gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng?

Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam ....

Hỏi: Vợ tôi làm công nhân trong một công ty may mặc. Do điều kiện làm việc ở đây quá hà khắc, vợ tôi cùng tất cả các công nhân khác trong nhà máy thường xuyên phải làm việc tăng ca và bị ép sản phẩm. Một dây chuyền sản xuất bình thường cần khoảng 60 – 70 người làm việc, thì nơi vợ tôi làm được rút xuống khoảng 40 – 50 người, số lượng công việc tăng gấp đôi, nhưng điều kiện làm việc kém cũng như trợ cấp cho nhân viên không đảm bảo. Vợ tôi cùng nhiều công nhân khác đã kiến nghị lên Ban điều hành của công ty mà không được chấp nhận, thậm chí còn bị đe doạ sẽ đuổi việc. Vì quá bức xúc, vợ tôi cùng một số công nhân khác đã đứng ra kêu gọi mọi người tổ chức cuộc đình công. Ngày 18/10, tất cả hơn 50 công nhân đã đứng trước cửa công ty đình công, gây ra ách tắc giao thông hơn 2 giờ đồng hồ. Sau đó, vợ tôi cùng một số công nhân đã bị bắt về cơ quan công an về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đề nghị Luật sư tư vấn, liệu vợ tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng không? (Phạm Hoàng Minh – Nam Định)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Thuỳ - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest – trả lời:

Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:
"1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; b) Có tổ chức; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm”.

Tiểu mục 5.1, 5.2 Mục 5 Nghị quyết số 02/2003/NQ – HĐTP hướng dẫn về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự như sau: “5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự: a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên; d. Chết người; đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên; e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên; g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên; h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên. Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không. 5.2. "Gây cản trở giao thông nghiêm trọng" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự là gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu)”.

Để biết được vợ anh có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng hay không, cần xem xét về hậu quả của hành vi đó gây ra, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì vợ anh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp của vợ anh, hành vi của vợ anh và một số công nhân khác đã dẫn đến hậu quả là làm cản trở gia thông hơn 2 giờ đồng hồ, vì vậy theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003/NQ – HĐTP hướng dẫn về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự thì vợ anh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo điểm c khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.