Tội cướp biển theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Cướp biển là một hành vi nguy hiểm đe dọa an toàn hàng hải và đã được hình sự hóa trong luật hình sự của nhiều quốc gia có biển.

Điều 302 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cướp biển như sau: "1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Tấn công tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác đang ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào; b) Tấn công hoặc bắt giữ người trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này; c) Cướp phá tài sản trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Cướp biển là một hành vi nguy hiểm đe dọa an toàn hàng hải và đã được hình sự hóa trong luật hình sự của nhiều quốc gia có biển. Bộ luật Hình sự năm 2015 của nước ta lần đầu tiên ghi nhận trách nhiệm hình sự đối với hành vi cướp biển, mà trước đó chưa từng được nhắc tới trong Bộ luật Hình sự 1999 và Bộ luật Hình sự 1985. Tội phạm này có các dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản sau:

1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm này xâm phạm đến sự an toàn hàng hải của nước ta.

2. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là người từ đủ 14 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này đã được mô tả cụ thể trong Điều luật trên. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp biển:

-Hành vi tấn công tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác đang ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào. Hành vi tấn công được xác định là tấn công bằng vũ lực nhằm khống chế, thực hiện các hành vi chống lại các phương tiện hàng hải, hàng không trên vùng biển không thuộc quyền tài phán và chủ quyền của bất cứ quốc gia ven biển nào.

- Hành vi tấn công hoặc bắt giữ người trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác. Đây là hành vi sử dụng vũ lực tấn công hoặc bắt giữ nhằm vào con người trên phương tiện hàng hải, hàng không xảy ra tại vùng biển cả hoặc vùng không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào. Khác với quy định về hành vi đầu tiên nhắm vào hoạt động bình thường và hợp pháp của các phương tiện di chuyển, hành vi thứ hai nhắm vào con người.

- Hành vi cướp phá tài sản trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác. Nếu 02 hành vi đầu là hành vi nhắm vào hoạt động của phương tiện, vào con người trên các phương tiện còn hành vi thứ 3 của tội cướp biển là nhắm vào tài sản. Hành vi “cướp phá” là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc phá hủy, hủy hoại làm hư hỏng tài sản trên các phương tiên bay, phương tiên hàng hải trên các khu vực này.

Về hậu quả của hành vi: Hậu quả không được đề cập đến để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự bởi đây là tội phạm có cấu thành hình thức.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi trong trường hợp phạm tội cướp biển phải là lỗi cố ý. Trường hợp này thông thường phải là cố ý trực tiếp bởi hành vi tấn công phải luôn nằm trong chủ đích và toan tính rất kỹ của những người thực hiện hành vi. Tức là người phạm tội nhận thức được hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả và mong muốn thực hiện hành vi.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].