Tội phạm đe dọa an ninh hàng hải quốc tế

Bên cạnh nạn cướp biển đe dọa an toàn hàng hải quốc tế còn có các hành vi bất hợp pháp khác nhằm chống lại an ninh trong hoạt động hàng hải quốc tế.

Vấn đề cướp biển đã được điều chỉnh theo các công ước năm 1958 về biển và Công ước năm 1982 về luật biển. Các hành vi tội phạm đe dọa an ninh hàng hải quốc tế khác được điều chỉnh tại 2 Công ước sau đây:

+ Công ước Roma năm 1988 về đấu tranh chống các hành vi bất hợp pháp chống lại an ninh hàng hải quốc tế;

+ Nghị định thư năm 1988 về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn các dàn khoan dầu trên biển.



Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198

Công ước và Nghị định thư nói trên đã quy định hành vi tội phạm là các hành vi bất hợp pháp nhằm mục đích chiếm đoạt tàu thuyền và dàn khoan, những công trình cố định trên thềm lục địa cũng như đe dọa an ninh hàng hải của tàu thuyền hoặc của các công trình xây dựng cố định. Nhìn chung, danh sách các tội phạm đe dọa an ninh hàng hải giống như danh sách các hành vi tội phạm đã được ghi nhận trong Công ước Môntrêan năm 1971 về chống các hành vi bất hợp pháp đe dọa an ninh hàng không dân dụng.

Trong vấn đề phân định thẩm quyền tài phán, Công ước năm 1988 về đấu tranh chống các hành vi bất hợp pháp đe dọa an ninh hàng hải đã ghi nhận nguyên tắc thẩm quyền tài phán phổ cập cho phép các quốc gia thành viên có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết và thích hợp để xác lập thẩm quyền xét xử của mình đối với tội phạm hàng hải thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước với điều kiện thủ phạm tình nghi đang hiện diện trên lãnh thổ của quốc gia và không bị dẫn độ cho nước khác để tiến hành các thủ tục tố tụng xét xử theo quy định.

Ngoài ra, Công ước năm 1988 còn quy định các nguyên tắc sau đây về thẩm quyền tài phán: Nguyên tắc thẩm quyền cùa quốc gia mà tàu treo cờ, nguyên tắc thẩm quyền lãnh thổ và thẩm quyền quốc tịch. Đây là những nguyên tắc dễ xác định và sử dụng trong việc phân định thẩm quyền xét xứ đối với tội phạm hàng hải.

Vấn đề dẫn độ tội phạm được giải quyết trong Công ước năm 1988 có nội dung quy định giống như trong Công ước năm 1973 về ngăn ngừa và trừng trị tội phạm chống lại các cá nhân được bảo hộ quốc tế, kể cả các viên chức ngoại giao. Công ước năm 1988 về an ninh hàng hải cũng quy định yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ trừng phạt các tội phạm hàng hải như là các tội phạm có tính chất nghiêm trọng. Như vậy các quốc gia thành viên phải có sự chỉnh sửa bộ luật hình sự quốc gia để đảm bảo thực hiên nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế phát sinh từ Công ước năm 1988 về an ninh hàng hải.

Để tạo cơ sở pháp lý duy trì an ninh, trật tự trên các vùng biển, cùng với các quy định khác của pháp luật, Luật Hàng hải Việt Namnăm 2005 (Điều 10) quy định những hành vi sau, được coi là vi phạm an toàn, an ninh, trật tự trên biển:

“1. Hành vi gây phương hại hoặc đe dọa phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia;

2. Hành vi vận chuyển người, hàng hóa, hành lý, vũ khí, chất phóng xạ, chất phế thải độc hại, chất ma túy trái với quy định của pháp luật;

3. Hành vi cố ý tạo chướng ngại vật gây nguy hiểm hoặc làm cản trở giao thông hàng hải;

4. Sử dụng, khai thác tàu biển không đăng ký, đăng kiểm hoặc quá hạn đăng ký, đăng kiểm; giả mạo đăng ký, đăng kiểm;

5. Từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép;

6. Gây ô nhiễm môi trường;

7. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người trên tàu biển; chiếm đoạt, cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản trên tàu biển; bỏ trốn sau khi gây tai nạn hàng hải;

8. Gây mất trật tự công cộng, cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ trên tàu biển và tại cảng biển”.

Đây là các quy định cụ thể nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên vùng biển nước ta; phù hợp với luật pháp Việt Nam, thông lệ quốc tế; là cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chấp pháp thực thi trong thực tiễn, góp phần tăng cường an ninh, an toàn hàng hải, phục vụ đắc lực sự phát triển của đất nước.


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].