Tội tổ chức mang thai hộ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau: “1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đối với 02 người trở lên; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đây là quy định mang tính nhân văn cao khi đã tạo cơ hội cho nhiều người được là cha mẹ. Tuy nhiên, pháp luật cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại, vì lẽ đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tội phạm này có các dấu hiệu pháp lý sau:

1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm này xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về sinh sản bằng phương pháp kỹ thuật và tính nhân đạo của hành vi mang thai hộ.

2. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, đó có thể là bất kỳ người nào đạt độ tuổi luật định (từ đủ 14 tuổi trở lên) và có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi tổ chức mang thai hộ. Hành vi tổ chức mang thai hộ là hành vi bao gồm tổng hợp của nhiều hành vi khác nhau từ việc tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu mang thai hộ gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, sắp xếp, tạo điều kiện và hỗ trợ về các phương tiện để các bên tiến hành việc mang thai hộ. Mục đích cuối cùng của người thực hiện hành vi là vì mục đích thương mại. Trong chuỗi các hành vi của việc tổ chức mang thai hộ thì hậu quả của hành vi này là việc những người tham gia đạt được mục đích mang thai không phải là yếu tố quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người tổ chức.

Cấu thành tội phạm đối với tội tổ chức mang thai hộ là cấu thành hình thức. Hậu quả là căn cứ để xác định rõ trách nhiệm hình sự, chứ không được xem là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của người tổ chức.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, người thực hiện hành vi phạm tội biết rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi này.

Dấu hiệu mục đích là cấu thành tội phạm bắt buộc của loại tội phạm này. Mục đích của người phạm tội phải là mục đích thương mại, nhằm thu lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác cho bản thân.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].