Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rộng hơn về chủ thể của hành vi gồm tất cả những người tham gia giao thông kể cả những người khi tham gia giao thông là người đi bộ.

Bộ luật Hình sự (viết tắt là BLHS) năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và BLHS năm 2015 đều có quy định đối với việc xử lý vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ, tuy nhiên, tên tội danh đối với hành vi vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ đã có sự thay đổi. Điều 202 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định là tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; trong khi đó Điều 260 BLHS năm 2015 quy định là “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Không chỉ thay đổi về tên tội danh, quy định của BLHS năm 2015 có một số điểm khác biệt so với quy định của BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Cụ thể là:

-Việc thay đổi tên điều luật dẫn đến sự thay đổi về chủ thể đối với tội phạm này, từ “người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” thành “người tham gia giao thông đường bộ”. Mà theo quy định tại các khoản 22, 23 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”; “Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ”.

Như vậy, Luật mới quy định rộng hơn về chủ thể của hành vi gồm tất cả những người tham gia giao thông kể cả những người khi tham gia giao thông là người đi bộ.

- Cụ thể hóa dấu hiệu hậu quả của hành vi phạm tội tại khoản 1 và khoản 3 Điều luật và bổ sung vào khoản 2 Điều luật, cụ thể là các hành vi sau: Làm chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người hoặc nhiều người với tỷ lệ tổn thương cơ thể cụ thể; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị cụ thể tại từng khoản. Nhà làm luật đã đưa những nội dung quy định có liên quan của Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông để quy định chi tiết các khoản của điều luật này.

- Quy định thành một khoản riêng về hình phạt đối với hành vi “Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%” tại khoản 4.

- Thay đổi khung hình phạt tiền là hình phạt chính tại khoản 1 là “từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng” thành “từ 30 triệu đến 100 triệu đồng” và thay đổi mức phạt tù tối thiểu tại khoản 1 là từ “06 tháng” lên “01 năm” so với Điều 202 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Đồng thời, quy định phạt tiền (từ 10 đến 50 triệu đồng) là hình phạt chính đối với hành vi “Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời” tại khoản 5. Và thay đổi mức phạt tù tối đa tại khoản 5 từ “02 năm” thành “01 năm” so với Điều 202 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].