Vai trò của Luật sư trong việc thu thập chứng cứ

Thu thập chứng cứ được hiểu là việc ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng làm cho chứng cứ có đầy đủ giá trị chứng minh và hiệu quả sử dụng.

Như vậy, chứng cứ cần phải có sự ghi nhận theo thủ tục tố tụng hình sự (TTHS) mới có thể sử dụng làm chứng cứ chứng minh tội phạm. Khác với các vụ án dân sự là nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về các đương sự, có nghĩa là các đương sự phải có nghĩa vụ đưa ra những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, đối với các vụ án hình sự, trách nhiệm chứng minh tội phạm hoàn toàn thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Điều 10 Bộ luật TTHS đã nêu rõ “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách, quan toàn diện và đầy đủ làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can bị cáo”.

Cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh tội phạm nếu không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh tội phạm một cách khách quan và toàn diện. Do vậy, quá trình thu thập chứng cứ trong điều tra vụ án hình sự là rất quan trọng đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy mà Điều 63 Bộ luật TTHS đã quy định rất rõ các vấn đề mà cơ quan tố tụng phải làm sáng tỏ, bao gồm: “1. Có hành vi phạm tội xẩy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; 2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; 3. Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can bị cáo và những đặc điểm của bị can bị cáo...”.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Theo quy định của pháp luật, cơ quan tiến hành tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp trong quá trình thu thập chứng cứ sao cho thật khách quan và toàn diện để chứng minh sự thật khách quan của vụ án.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít các Cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ thường chỉ quan tâm đến việc thu thập các chứng cứ xác định có tội, mà không mấy quan tâm đến việc thu thập các chứng cứ theo hướng vô tội, các tình tiết giảm nhẹ và nhân thân của bị can, bị cáo nên việc thu thập chứng cứ đôi khi không được tiến hành một cách khách quan và toàn diện dẫn đến tình trạng vị phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với các bị can, bị cáo. Điều này đã gây nên không ít bức xúc, sai lầm trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự hiện nay.

Ngoài ra Bộ luật TTHS cũng quy định rất cụ thể quyền của của người tham gia tố tụng bị can, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều 19 Bộ luật TTHS quy định “ … bị cáo người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước toà án. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án”.

Tuy nhiên cho đến nay pháp luật vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho Luật sư thực hiện điều này nên việc Luật sư tự mình thu thập tài liệu chứng cứ là một việc làm rất khó khăn, nhiều khi bị coi là hành vi không hợp pháp. Pháp luật còn quy định tuỳ theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được các tài liệu liên quan đến vụ án thì người bào chữa phải có trách nhiệm giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng, không công khai nên rất dễ bị vô hiệu hoá hoặc bị làm sai lệch. Việc Luật sư giữ chứng cứ do mình thu thập được và lựa chọn thời điểm đưa ra phù hợp trong quá trình tố tụng của vụ án nhằm mục đích bào chữa và bảo vệ tối đa quyền lợi của thân chủ là cần thiết. Tuy nhiên trong thực tế, quyền của Luật sư đưa ra một số chứng cứ tài liệu nhằm bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ gặp rất nhiều khó khăn, thông thường không được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận. Ngoài ra, khi luật sư cung cấp tài liệu, đồ vật thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành thẩm định lại tính xác thực của chứng cứ đó. Song thực tế khi luật sư cung cấp những chứng cứ để chứng minh bị can, bị cáo không phạm tội hoặc các tình tiết giảm nhẹ của bị can, bị cáo, thì các cơ quan tiến hành tố tụng đôi khi đã không thẩm định, xác minh để làm căn cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án.

Như vậy, trong bối cảnh mở rộng tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay “Khi xét xử Toà án phải đảm bảo cho mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ khách quan. Việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, những người có quyền và lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”.

Nếu chúng ta tạo được sự bình đẳng hơn nữa giữa bên tiến hành tố tụng và bên tham gia tố tụng trong việc thực hiện quyền đưa ra chứng cứ để tạo thành đối trọng thì việc giải quyết vụ án có thể nhanh chóng và kịp thời hơn, công cuộc cải cách tư pháp và hạn chế oan sai trong tố tụng hình sự mới có hiệu quả, vai trò của Luật sư trong tố tụng mới được coi trọng.

Mặt khác, mục đích của Luật sư trong quyền đưa ra chứng cứ khác với các cơ quan và người tiến hành tố tụng, bởi vì Luật sư trước hết là người bào chữa, người bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, sau nữa Luật sư còn góp phần làm sáng tỏ những tình tiết khách quan của vụ án. Thông thường những chứng cứ mà Luật sư thu thập thường mang giá trị “gỡ tội” đúng với vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Luật sư như vậy mới có giá trị phản biện và làm đối trọng (một phần hoặc toàn bộ) chứng cứ “buộc tội” của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để bào chữa có hiệu quả, Luật sư sẽ có những kiến nghị cơ quan tiến hành tố tụng ra các quyết định khác nhau như điều tra bổ sung, điều tra lại, đình chỉ điều tra, rút quyết định truy tố, thay đổi tội danh nhẹ hơn, áp dụng hình phạt nhẹ hơn so với đề nghị nêu trong bản luật tội của Viện kiểm sát để Hội đồng xét xử cân nhắc khi định tội danh, quyết định hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên, những kiến nghị của Luật sư trong nhiều trường hợp ít khi được toà án xem xét một cách đầy đủ, chỉ những kiến nghị quá rõ ràng về việc vi phạm thủ tục tố tụng của Cơ quan điều tra mới được Toà án chấp nhận, những kiến nghị thu thập thêm chứng cứ có lợi cho bị cáo thì lại rất ít khi được chấp nhận.

Để khắc phục hiện tượng trên, cần thiết phải đưa ra những quy định pháp luật cụ thể để tạo ra sự bình đẳng hơn nữa trong việc thu thập, cung cấp và sử dụng chứng cứ trong vụ án hình sự đảm bảo giữa cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực sự bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ có liên quan đến vụ án. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để người tham gia tố tụng thực sự được thực hiện các quyền của họ theo đúng các quy định của pháp luật. Đây là một trong những quyền cơ bản của người tham gia tố tụng.

(Nguồn: hocvientuphap.edu.vn)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].