Thẩm quyền áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ

Chứng cứ có vai trò rất lớn trong xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự.

Theo quy định của BLTTHS năm 2003, thì những người sau đây có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (VKS) các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các cấp. Theo BLTTHS năm 2003, thì đây là những người có thẩm quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp như: Ra lệnh khám xét, phê chuẩn lệnh khám xét, ra quyết định trưng cầu giám định, quyết định khai quật tử thi, triệu tập người tham gia tố tụng để hỏi cung, lấy lời khai, đối chất,...

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Người trực tiếp thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ là Điều tra viên, Kiểm sát viên (KSV), Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa, cán bộ giám định, người được mời tham gia khám nghiệm. Ngoài những người trên, những người trong các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra như những người trong cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy,…cũng được quyền thực hiện một số biện pháp thu thập chứng cứ. Người tiếp nhận các đối tượng bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang truy nã. Điều 82 BLTTHS quy định người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã được giải đến Cơ quan Công an, VKS hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, các cơ quan này phải lập biên bản. Biên bản do những cơ quan này lập mà có ghi nhận những thông tin ban đầu về tội phạm, thì chúng sẽ trở thành chứng cứ. Như vậy xét về góc độ chứng minh tội phạm, thì những người được luật pháp giao trách nhiệm lập biên bản bắt nêu trên là các chủ thể có quyền và nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Cần phân biệt với chủ thể có trách nhiệm chứng minh và người có quyền xuất trình chứng cứ, chủ thể có trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự có quyền áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ. Nhưng người có quyền và trách nhiệm thu thập chứng cứ có khi không phải là chủ thể chứng minh trong tố tụng hình sự như những người được luật giao trách nhiệm lập biên bản trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang, bắt người truy nã. Khác với hai loại chủ thể trên, những người tham gia tố tụng khác như người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan,…cũng được quyền cung cấp tài liệu, xuất trình chứng cứ nhưng không có trách nhiệm phải chứng minh tội phạm, cũng không có trách nhiệm thu thập chứng cứ.

Theo quy định tại Điều 58 BLTTHS thì người bào chữa có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; Đưa ra đồ vật, tài liệu, yêu cầu; Tham gia hỏi tại phiên tòa. Điều 59 BLTTHS quy định người bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự cũng có quyền đưa ra đồ vật tài liệu, yêu cầu, tham gia hỏi tại phiên tòa, đây cũng được coi là các biện pháp cung cấp, xuất trình chứng cứ.

(Nguồn: Vksnd.hochiminhcity.gov.vn)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].