Về người tham gia tố tụng theo Bộ luật Tố tụng Hình Sự

Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cũng nhằm tới việc xác định bị cáo có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì phạm tội gì, mức hình phạt bao nhiêu, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thế nào?

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì người tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm bao gồm: Bị cáo; người bào chữa; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người bảo vệ quyền lợi của đương sự; người làm chứng; người giám định; người phiên dịch.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Trong số những người tham gia tố tụng thì bị cáo là nhân vật trung tâm. Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cũng nhằm tới việc xác định bị cáo có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì phạm tội gì, mức hình phạt bao nhiêu, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thế nào... Là bị cáo, họ chưa bị coi là người có tội, họ chỉ là người bị cáo buộc về một tội phạm nào đó theo Bộ luật hình sự, nên họ phải được đối xử như đối với một người bình thường khác. Cũng chính vì vậy mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định quyền của bị cáo rất đầy đủ và cụ thể để họ tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ cho mình trước lời cáo buộc của Viện kiểm sát tại phiên toà. Tuy nhiên, trực trạng hiện nay, do nhận thức chưa đúng nên trước phiên toà bị cáo bị đối xử như người đã có tội; Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và ngay cả những người tham dự phiên toà cũng coi bị cáo là người đã có tội. Thay đổi quan niệm này, phải có một thời gian và phải có nhiều biện pháp, không chỉ đối với quy định của pháp luật mà còn phải nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân.

Nói chung, tại phiên toà các quyền của bị cáo được Toà án thực hiện tương đối đầy đủ như: Được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Toà án; các quyết định khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; được tham gia phiên toà; được giải thích về quyền và nhiệm vụ; được đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; được đưa ra tài liệu, đồ vật và những yêu cầu; được tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa; được trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà; được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án; được kháng cáo bản án và quyết định của Toà án; được khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, nơi có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, như trên đã nêu, do thái độ của chủ toạ phiên toà; của Kiểm sát viên nên một số quyền của bị cáo bị vi phạm, mà sự vi phạm lại từ phía những người tiến hành tố tụng.

Để bảo vệ các quyền của bị cáo tại phiên toà sơ thẩm, theo Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Người bào chữa là người được bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ mời hay được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Đoàn Luật sư phân công Văn phòng luật sư cử hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử để bào chữa cho bị cáo, nhằm làm sáng tỏ những tình tiết gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo và giúp đỡ họ về mặt pháp lý. Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bào chữa có thể là: Luật sư; Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Bào chữa viên nhân dân.

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp luật theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhằm góp phần bảo vệ công lý.Thực trạng đội ngũ Luật sư hiện nay trên phạm vi toàn quốc đã có hơn 6.250 người và hơn 3.000 thực tập làm nghề Luật sư. Theo đánh giá của Liên đoàn Luật sư thì vị thế của Luật sư đã được nâng cao rõ rệt; các cơ quan tiến hành tố tụng tôn trọng, tạo thuận lợi hơn cho Luật sư khi hành nghề; các Đoàn Luật sư được địa phương quan tâm hơn, hỗ trợ nhiều hơn về kinh phí, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, số lượng Luật sư phân bổ chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, mới có khoảng 20% vụ án hình sự có Luật sư tham gia; Luật sư chuyên sâu về các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại còn ít. Trình độ, năng lực của Luật sư cũng còn hạn chế, là người bào chữa nhưng không bào chữa mà còn buộc tội bị cáo mà mình nhận bào chữa hoặc không biết hành vi của bị cáo là hành vi không cấu thành tội phạm nên chỉ đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo...; có Luật sư còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp cá biệt có Luật sư lợi dụng hành nghề để lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng diễn đàn để tuyên truyền chống nhà nước ảnh hưởng uy tín của Luật sư.

Ngoài Luật sư, người bào chữa có thể là người đại diện hợp pháp của người bị cáo. Người đại diện hợp pháp là bố mẹ để, bố mẹ nuôi, người đỡ đầu, anh, chị em ruột và những người theo quy định của pháp luật đối với bị can bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần. Ngoài ra, người bào chữa còn có thể là Bào chữa viên nhân dân. Bào chữa viên nhân dân là người được tổ chức, đoàn thể xã hội cử ra để bào chữa cho bị cáo. Ngoài bị cáo, Bộ luật hình sự Việt Nam còn quy định những người tham gia tố tụng khác như: Người bị hại; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người làm chứng, người giám định; người phiên dịch; người bảo vệ quyền lợi của đương sự.

Trong số những người tham gia tố tụng trên, có người bị hại là người mà thực tiễn xét xử còn nhiều vướng mắc, một phần do Bộ luật tố tụng hình sự quy định không rõ ràng, phần còn lại là do nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng không thống nhất. Bộ luật tố tụng hình sự cũng như Bộ luật hình sự không có quy định đối với tội phạm nào thì có người bị hại, còn tội phạm thì không, nên thực tiễn xét xử có Toà án xác định là người bị hại, có Toà án chỉ xác định là nguyên đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án như: Đối với tội chống người thi hành công vụ hoặc đối với tội gây rối trật tự công cộng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ tài sản thì trường hợp nào có người bị hại, trường hợp không có người bị hại? Các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương cũng không thấy hướng dẫn.

Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bị hại chỉ có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bi cáo, nhưng theo quy định tại Đoạn 1 Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm, nên từ trước đến nay cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cũng như người tham gia tố tụng đều hiểu rằng, người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, kể cả tội danh, hình phạt và các quyết định khác. Cách hiểu này rõ ràng là không đúng nhưng lại được các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng chấp nhận và quyết định theo cách hiểu này. Ví dụ: Do có kháng cáo của người bị hại nên Toà án cấp phúc thẩm đã chuyển tội danh từ tội cố ý gây thương tích sang tội giết người (là tội danh nặng hơn).

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự thì, trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà. Vậy, người bị hại trình bày lời buộc tội trước hay sau khi Kiểm sát viên trình bày lời buộc tội ? Nếu người bị hại vắng mặt thì Toà án có xét xử vắng mặt họ được không? Theo quy định tại Khoản 5 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự thì, trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền của người bị hại, nhưng ai là người đại diện hợp pháp cho người bị hại thì Bộ luật tố tụng hình sự không quy định. Trường hợp người bị hại không chết nhưng họ là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì có người đại diện cho họ không, Bộ luật tố tụng hình sự chưa quy định.

Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự quy định nếu người bị hại từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội từ chối khai báo theo Điều 308 của Bộ luật hình sự, nhưng trên thực tế chưa có trường hợp nào người bị hại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, mặc dù có nhiều trường hợp họ không cộng tác với cơ quan tiến hành tố tụng như: Không đi giám định tỷ lệ thương tật, không có mặt theo giấy triệu tập mà sự có mặt của họ là bắt buộc, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và cho Toà án nói riêng.

(Nguồn:Th.S. Đinh Văn Quế - Nguyên Chánh toà hình sự, TANDTC)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].