Việc khám xét người là hoạt động nhằm mục đích điều tra vụ án, nhằm thu thập chứng cứ liên quan đến vụ án hoặc các tài liệu, đồ vật bất hợp pháp khác như tài liệu phản động, tranh ảnh đôi trụy được quy định cụ thể tại điều 194, Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015.
Khám người là việc lục soát, khám xét trong người, trong quần áo cùng các đồ vật trên người của bị can, bị cáo, người bị bắt giữ trong trường hợp quả tang hoặc khẩn cấp, người đang bị truy nã hoặc người có mặt ở nơi đang bị khám xét mà có căn cứ cho rằng người đó đang giấu trong người đồ vật cần thu giữ, nhằm mục đích phát hiện, thu giữ những vật chứng và tài liệu liên quan đến vụ án.
Căn cứ pháp lý của việc khám xét người.
Theo điều 194, Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 thì việc khám xét người được quy định cụ thể như sau:
“(1). Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó; giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.
Người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét.
(2). Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.
(3). Có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án”.
Bình luận về quy định khám xét người
Thứ nhất, khoản 1, điều 194, Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về khám xét người, về thủ tục, việc khám xét phải có lệnh. Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh, phải đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó.
Lệnh khám xét phải chứa đựng các thông tin như người có thẩm quyền ra lệnh khám xét, thời gian ban hành lệnh, thông tin về đối tượng bị khám xét... Việc này đảm bảo người bị khám xét biết được việc khám xét là hợp pháp, đúng trình tự, thủ tục theo pháp luật. Người bị khám xét và những người có mặt khi khám xét được giải thích quyền và nghĩa vụ.
Người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án. Nếu người bị khám xét từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét.
Thứ hai, để đảm bảo không xâm phạm đến các quyền của người khám xét thì tại khoản 2 đã quy định nguyên tắc khám xét người là không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét. Việc này phải được quán triệt tới toàn thể lực lượng khám xét.
Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có sự chứng kiến của người khác cùng giới.
Ngoài ra, tại khoản 3, điều luật cũng quy định về trường hợp ngoại lệ trong khám xét người. Đó là việc khám xét người không cần lệnh.
Căn cứ để khám xét người không cần lệnh gồm hai trường hợp đó là khi bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận