Vướng mắc về thời hạn hoạt động tố tụng áp dụng thủ tục rút gọn

Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đã thi hành được một thời gian dài. Trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, hạn chế cần phải được khắc phục về thời hạn hoạt động tố tụng. Những vướng mắc này khiến các cơ quan ngại áp dụng thủ tục rút gọn.

Theo quy định tại các Điều 321, 323, 324 thì thời hạn hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng kể từ khi khởi tố vụ án tới khi xét xử là 30 ngày. Trong đó, thời hạn điều tra là 12 ngày, thời hạn truy tố là 4 ngày, thời hạn xét xử là 14 ngày. Việc quy định về thời hạn như vậy là không phù hợp và chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng ngại áp dụng thủ tục này vì sợ vi phạm về thời hạn. Nếu so sánh thời hạn hoạt động tố tụng hình sự của thủ tục rút gọn với thủ tục tố tụng hình sự thông thường thì thời hạn quy định cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo thủ tục rút gọn là quá ít. Bởi lẽ, đối với vụ án thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thời hạn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử là 5 tháng 15 ngày, trong khi đó thời hạn của thủ tục rút gọn chỉ là 30 ngày.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Với quy định về thời hạn như vậy, có rất nhiều vụ án trên thực tế mặc dù đã có quyết định áp dụng theo thủ tục rút gọn, nhưng sau đó lại phải hủy bỏ thủ tục rút gọn để áp dụng theo thủ tục tố tụng thông thường vì vi phạm thời hiệu. Những vướng mắc đó, thể hiện ngay trong quy định tại Điều 320 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Theo quy định tại khoản 1 Điều 320 thì chỉ cần có quyết định khởi tố vụ án và có đề nghị của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn mà chưa cần có quyết định khởi tố bị can. Nhưng tại khoản 2 Điều 320 lại quy định “Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24h, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn”. Nếu quy định như vậy, thì thời hạn để Viện kiểm sát xem xét ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn là bao lâu? Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và Viện kiểm sát phê chuẩn các quyết định tố tụng vào thời điểm nào? Giả thiết, việc khởi tố bị can được tiến hành sau khi có quyết định của Viện kiểm sát về việc áp dụng thủ tục rút gọn, thì trong vòng 24h Cơ quan điều tra phải xác minh, ra quyết định khởi tố bị can, gửi cho Viện kiểm sát phê chuẩn, giao các quyết định tố tụng cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật, với khoảng thời gian như vậy liệu có đủ để Cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động tố tụng hay không? Quy định như vậy là chưa hợp lý vì luật cũng không quy định cụ thể Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát phải gửi cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ, nên dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đối với trường hợp người phạm tội không bị tạm giữ lại càng khó thực hiện hơn. Một vấn đề nữa cũng gây khó khăn cho Cơ quan điều tra, đó là quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại quy định tại khoản 3 Điều 320, Theo quy định tại khoản 3 Điều 320 thì trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại gửi cho Viện kiểm sát, Viện kiểm sát phải giải quyết khiếu nại đó trong vòng ba ngày.

Như vậy, nếu theo đúng trình tự quy định tại Điều 320 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì thời gian từ khi khởi tố, ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, gửi cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ, tiếp nhận khiếu nại và giải quyết khiếu nại (nếu có) thì thời gian tối đa là 8 ngày. Vậy Cơ quan điều tra, chỉ còn có 4 ngày để tiến hành điều tra. Với thời gian như vậy liệu Cơ quan điều tra có bảo đảm được đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra để bảo đảm được việc điều tra đúng người, đúng tội đúng pháp luật hay không?

Một vấn đề bất cập nữa chúng tôi muốn nêu ra là: Trong toàn bộ các quy định tại chương XXXIV Bộ luật tố tụng hình sự 2003 về thủ tục rút gọn không có điều luật nào đề cập đến vấn đề bào chữa, nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu mời luật sư bào chữa thì chúng ta giải quyết thế nào? Thời hạn là bao nhiêu Ví dụ: Trong giai đoạn xét xử theo quy định tại Điều 324 quy định “1. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây: a /Đưa vụ án ra xét xử; b/ Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; c/ Tạm đình chỉ vụ án; d/ Đình chỉ vụ án. 2. Trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung.”

Quy định như vậy, nếu sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tới ngày thứ sáu hoặc tại phiên tòa bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu mời luật sư thì giải quyết thế nào? Thời hạn là bao nhiêu, vì theo quy định thì khi áp dụng thủ tục rút gọn không được gia hạn. Nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu mời luật sư vì cho rằng vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì sẽ vi phạm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Nếu chấp nhận thì vi phạm về thời hạn. Đây cũng chính là một trong những vướng mắc và là nguyên nhân dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ngại áp dụng thủ tục rút gọn hoặc có áp dụng rồi lại phải ra quyết định hủy bỏ.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn, ngoài việc rút ngắn thời hạn tiến hành tố tụng nhằm giúp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án giải quyết nhanh chóng vụ án thì cũng cần có những quy định sửa đổi bảo đảm về thời gian phù hợp để bị can, bị cáo bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình nhất là bảo đảm quyền bào chữa quy định tại Điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Quy định về thời hạn như hiện nay, theo chúng tôi là quá ngắn dẫn đến có sự không tin tưởng của bị can, bị cáo vào năng lực, trình độ chuyên môn của người tiến hành tố tụng hay các quyền lợi của họ sẽ không được bảo đảm như khi áp dụng các thủ tục tố tụng hình sự thông thường.

Nguồn: Toaan.gov.vn


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].