Thực tiễn quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người cho thấy, hình phạt được quyết định đúng hay sai chủ yếu phụ thuộc vào việc xác định các tình tiết định khung tăng nặng.
Thực tiễn quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người cho thấy, hình phạt được quyết định đúng hay sai chủ yếu phụ thuộc vào việc xác định các tình tiết định khung tăng nặng. Bởi lẽ, nếu xác định đúng tình tiết định khung tăng nặng thì hình phạt được quyết định mới có thể đúng, ngược lại, nếu xác định sai tình tiết định khung tăng nặng thì hình phạt được quyết định chắc chắn sẽ sai. Tuy nhiên, việc xác định các tình tiết định khung tăng nặng sau đây thường không chính xác nên đã ảnh hưởng đến tính đúng đắn của hình phạt được quyết định.
Theo Báo cáo bổ sung công tác xét xử về hình sự của Toà hình sự Tòa án nhân dân tối cao ngày 10-01-1999 thì chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết phụ nữ mà biết là có thai" trong trường hợp nạn nhân đang có thai và người phạm tội cũng biết rõ điều đó. Trường hợp nạn nhân không có thai, nhưng người phạm tội tưởng là có hoặc ngược lại thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này[1]. "... Để xác định bị cáo có biết nạn nhân có thai hay không cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể mà bị cáo đã phạm tội, mối quan hệ giữa nạn nhân với bị cáo và những tình tiết khác như thời gian, địa điểm phạm tội..."[2].
Tuy đường lối xét xử hành vi giết phụ nữ có thai đã được Toà hình sự Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trong Báo cáo bổ sung công tác xét xử về hình sự ngày 10-01-1999[3], nhưng chưa thật đầy đủ vì chưa giải quyết được những trường hợp không có sự phù hợp giữa thực tế khách quan và ý thức chủ quan của can phạm như: thực tế khách quan (đối tượng bị giết) là phụ nữ có thai, nhưng ý thức chủ quan của can phạm lại không biết và cho rằng đối tượng mà mình giết không phải là phụ nữ có thai hoặc ngược lại, thực tế khách quan (đối tượng bị giết) không phải là phụ nữ có thai, nhưng ý thức chủ quan của can phạm lại cho rằng đối tượng mà mình giết là phụ nữ có thai và mong muốn gây ra cái chết cho đối tượng này... Để khắc phục những hạn chế trong bản Báo cáo trên, chúng tôi cho rằng, trường hợp giết phụ nữ có thai nên được giải quyết theo các hướng sau đây:
Thứ nhất,nếu có sự thống nhất giữa thực tế khách quan (đối tượng bị giết là phụ nữ có thai) và ý thức chủ quan của người phạm tội (biết nạn nhân là phụ nữ có thai) thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tình tiết định khung tăng nặng "giết phụ nữ mà biết là có thai", đúng như hướng dẫn trong Báo cáo bổ sung công tác xét xử về hình sự của Toà hình sự Tòa án nhân dân tối cao ngày 10-01-1999.
Thứ hai,nếu người phạm tội tuy mong muốn gây ra cái chết cho nạn nhân, nhưng không quan tâm đối tượng bị giết là hoặc không phải là phụ nữ có thai thì chia làm hai trường hợp: 1) Nếu xác định thực tế đối tượng bị giết là phụ nữ có thai thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tình tiết định khung tăng nặng "giết phụ nữ mà biết là có thai"; 2) Nếu xác định thực tế đối tượng bị giết không phải là phụ nữ có thai thì người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tình tiết định khung tăng nặng này.
Thứ ba,trường hợp người phạm tội có sự lầm tưởng và sự lầm tưởng này là có căn cứ (được chứng minh qua các biểu hiện trước, trong và sau khi phạm tội, cũng như các biểu hiện bên ngoài khác của nạn nhân hoặc quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân hay hoàn cảnh xảy ra sự việc...) thì áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết phụ nữ mà biết là có thai" theo ý thức chủ quan. Cụ thể là: 1) Thực tế khách quan (đối tượng bị giết) là phụ nữ có thai, nhưng ý thức chủ quan của người phạm tội lại lầm tưởng là không có thai thì người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tình tiết định khung tăng nặng này; 2) Thực tế khách quan (đối tượng bị giết) không phải là phụ nữ có thai, nhưng ý thức chủ quan của người phạm tội lại lầm tưởng là phụ nữ có thai và mong muốn gây ra cái chết cho họ thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tình tiết định khung tăng nặng "giết phụ nữ mà biết là có thai".
Thứ tư, nếu người phạm tội cố tình không khai rõ ý thức chủ quan của mình và sự lầm tưởng là không có căn cứ thì chia làm hai trường hợp: 1) Nếu xác định thực tế đối tượng bị giết là phụ nữ có thai thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tình tiết định khung tăng nặng "giết phụ nữ mà biết là có thai"; 2) Nếu xác định thực tế đối tượng bị giết không phải là phụ nữ có thai thì người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tình tiết định khung tăng nặng này.
- Giết ông, bà, cha, mẹ
Quan điểm thứ nhất cho rằng, giết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mình hay của vợ hoặc của chồng đều bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ của mình. Bởi lẽ, đã là ông, bà, cha, mẹ thì dù là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mình hay của vợ hoặc của chồng cũng cần phải được kính trọng và biết ơn. Do đó, người nào giết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mình hay của vợ hoặc của chồng đều phải bị trừng trị nghiêm khắc. Quan điểm này đã được thể hiện ngay từ thời phong kiến. "Những kẻ mưu giết... ông bà ngoại, chồng và ông bà, cha mẹ chồng, đều phải tội chém..." (Điều 416 Bộ luật Hồng Đức)[4] và "Phàm mưu sát ông bà, cha mẹ..., ông bà ngoại chồng, cả đến ông bà nội cha mẹ, đã thi hành đều xử chém..." (Điều 3 Quyển 14 Phần "Nhân mạng" Bộ luật Gia Long)[5]. Việc Bộ luật hình sự năm 1999 bổ sung tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ của mình vào tội giết người là sự kế thừa truyền thống lập pháp của cha ông nhằm giáo dục ý thức tôn trọng ông, bà, cha, mẹ, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc "uống nước nhớ nguồn", "tứ thân phụ mẫu" cũng như nhằm trừng trị nghiêm khắc những người đã giết hại chính ông, bà, cha, mẹ của mình.
Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này trong trường hợp người phạm tội giết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mình, còn giết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hay của chồng thì không bị áp dụng tình tiết giết ông, bà, cha, mẹ của mình.
Quan điểm thứ ba lại cho rằng, chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ của mình trong trường hợp người phạm tội giết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ của mình, còn giết cha nuôi, mẹ nuôi của mình cũng không bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này.
Trong ba quan điểm trên, chúng tôi ủng hộ quan điểm thứba. Sở dĩ như vậy là vì: 1) Hành vi giết ông, bà, cha, mẹ của mình đã làm tăng đáng kể mức độ lỗi của người phạm tội so với trường hợp giết người thông thường. Người phạm tội trong trường hợp này đã bất chấp đạo lí, vứt bỏ nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm, giết hại chính những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình. Do đó, nếu hiểu giết ông, bà, cha, mẹ của mình quá rộng theo cảm tính như quan điểm thứ nhất, bao gồm cả trường hợp giết ông ngoại, bà ngoại của vợ hoặc của chồng sẽ dẫn đến tình trạng xử lí nặng đối với nhiều người. 2) Qui định tại điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 "giết ông, bà, cha, mẹ của mình" phải được hiểu là đối tượng bị giết (ông, bà, cha, mẹ) phải có cùng huyết thống, phải là ruột rà, máu mủ với người phạm tội, phải sinh thành ra người phạm tội. Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hay của chồng, thậm chí cả cha mẹ nuôi của người phạm tội vì không cùng huyết thống với người phạm tội nên nếu áp dụng tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ của mình sẽ là không chính xác. Mặt khác, bên cạnh tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ của mình, điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 còn qui định tình tiết giết người nuôi dưỡng của mình. Vì vậy, nếu giết cha nuôi, mẹ nuôi của mình hay của vợ hoặc của chồng thì càng không thể áp dụng tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ mà chỉ có thể áp dụng tình tiết giết người nuôi dưỡng của mình. Quan điểm này của chúng tôi không những phù hợp với qui định của Bộ luật hình sự hiện hành mà còn là quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao.
luật sư bào chữa giỏi
- Giết nhiều người và giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người
Giết nhiều người là trường hợp người phạm tội cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) gây ra cái chết cho từ hai người trở lên. Tình tiết định khung tăng nặng này không những nói lên mức độ tàn ác rất cao của can phạm mà tác hại gây ra cũng lớn hơn nhiều so với trường hợp giết một người cho nên, thực tiễn xét xử cũng coi đây là một tình tiết nghiêm trọng vào bậc nhất[6].
Từ lí luận và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội giết người chúng tôi thấy, việc áp dụng hoặc không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" phụ thuộc vào lỗi và hậu quả của hành vi phạm tội, nhưng cho đến nay vẫn còn có những quan điểm trái ngược nhau, cụ thể là:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: 1) Nếu người phạm tội cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho nhiều người thì dù không có người nào chết (họ) vẫn bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" (chưa đạt). 2) Nếu người phạm tội cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho nhiều người thì chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" khi hậu quả chết nhiều người xảy ra; nếu hậu quả chết nhiều người chưa xảy ra thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này. Bởi vì, trong trường hợp giết người với lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không mong muốn hậu quả chết (nhiều) người xảy ra cho nên hậu quả xảy ra đến đâu thì xử người phạm tội đến đó. 3) Nếu người phạm tội cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho một người (A), đồng thời cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho một (B) hoặc nhiều người khác (B và C) thì: a)Áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" khi B hoặc C chết (đây là trường hợp "giết nhiều người", nhưng chưa đạt), hoặc khi có từ hai người chết trở lên (A - B, A - C, B - C hoặc cả A - B và C); b) Không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" khi cả A, B và C đều không chết hoặc khi chỉ có A chết.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng, không (nên) áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" khi hậu quả chết nhiều người chưa xảy ra. Bởi vì, trong trường hợp chưa gây ra hậu quả chết nhiều người thì hành vi giết nhiều người (cho dù là cố ý trực tiếp) cũng chỉ nguy hiểm như những trường hợp giết người thông thường.
Để việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" được dễ dàng và thống nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng: Vì tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" là tình tiết đòi hỏi hai dấu hiệu: dấu hiệu lỗi (cố ý) và dấu hiệu hậu quả (chết nhiều người) cho nên, chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này khi thoả mãn hai điều kiện: 1) Về chủ quan:người phạm tội cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) với hậu quả chết nhiều người và 2) Về khách quan: đã có từ hai người chết trở lên. Nếu hậu quả này chưa xảy ra thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người". Bởi vì, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người trong trường hợp này tăng không đáng kể so với trường hợp giết người thông thường.
- Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là trường hợp người phạm tội đã sử dụng những công cụ, phương tiện hoặc thủ đoạn phạm tội có khả năng làm chết từ hai người trở lên như: ném lựu đạn vào chỗ đông người; cho thuốc độc vào bể nước công cộng; bắn súng vào tàu, xe, ca nô khi đang có nhiều người ở trên... Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người không những đe doạ gây ra hậu quả chết nhiều người mà còn thể hiện mức độ tàn ác của hành vi phạm tội. Do đó, Bộ luật hình sự năm 1985 cũng như Bộ luật hình sự năm 1999 đều qui định tình tiết "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" là tình tiết định khung tăng nặng.
Khi giải quyết các vụ án giết người liên quan đến tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" và "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn không ít quan điểm bất đồng, thậm chí nhiều trường hợp còn không biết là phải áp dụng tình tiết định khung tăng nặng nào hay phải áp dụng cả hai...
Để áp dụng pháp luật thống nhất, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, có quan điểm cho rằng, những trường hợp giết người liên quan đến tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" và "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" nên giải quyết theo hướng sau đây:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: 1) Nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội cố ý trực tiếp giết nhiều người bằng cách sử dụng công cụ, phương tiện hay thủ đoạn mà trong hoàn cảnh cụ thể việc sử dụng công cụ, phương tiện hay thủ đoạn đó: a) Đã làm chết nhiều người, nhưng không có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì chỉ áp dụng tình tiết "giết nhiều người"; không áp dụng tình tiết "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" vì khả năng này đã không còn tồn tại trên thực tế; b) Đã làm chết nhiều người và còn có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì phải áp dụng cả hai tình tiết "giết nhiều người" và "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người"; c) Chưa làm chết người nào hoặc mới làm chết một người và không có khả năng làm chết (thêm) nhiều người khác thì chỉ áp dụng tình tiết "giết nhiều người" (chưa đạt); d) Chưa làm chết người nào hoặc mới làm chết một người, nhưng có khả năng làm chết (thêm) nhiều người khác thì cũng phải áp dụng cả hai tình tiết "giết nhiều người" (chưa đạt) và "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người". 2) Nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội cố ý gián tiếp giết nhiều người bằng cách sử dụng công cụ, phương tiện hay thủ đoạn mà trong hoàn cảnh cụ thể việc sử dụng công cụ, phương tiện hay thủ đoạn đó: a) Đã làm chết nhiều người, nhưng không có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì chỉ áp dụng tình tiết "giết nhiều người", không áp dụng tình tiết "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" vì khả năng này đã không còn tồn tại trên thực tế; b) Đã làm chết nhiều người và còn có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì phải áp dụng cả hai tình tiết "giết nhiều người" và "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người"; c) Chưa làm chết người nào hoặc tuy đã làm chết một người, nhưng không có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì không áp dụng cả hai tình tiết "giết nhiều người" và "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" vì cố ý gián tiếp giết nhiều người, hậu quả xảy ra đến đâu thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm đến đó; d) Chưa làm chết người nào hoặc mới làm chết một người, nhưng có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì chỉ áp dụng tình tiết "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người".
Quan điểm thứ hai lại cho rằng: trong trường hợp chưa gây ra hậu quả chết nhiều người thì hành vi (với lỗi cố ý trực tiếp) giết nhiều người cũng chỉ nguy hiểm như những trường hợp giết người thông thường. Do đó, nếu chưa làm chết người nào hoặc mới làm chết một người thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người", nhưng nếu hành vi đó có khả năng làm chết (thêm) nhiều người khác thì sẽ (chỉ) bị áp dụng (một) tình tiết định khung tăng nặng "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người".
Hướng giải quyết trong hai quan điểm trên - theo chúng tôi - chỉ là hướng giải quyết có tính chất tình thế, nó chỉ phù hợp với qui định hiện hành của Bộ luật hình sự năm 1999 về tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" và "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" chứ không phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và cũng không phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội giết người. Tình huống có tính giả thiết sau đây sẽ minh chứng cho nhận định này: A vì muốn (cố ý trực tiếp) gây ra cái chết cho M, N, P, Q nên đã ném lựu đạn vào nơi bốn người đang ngồi làm việc (nơi đó chỉ có M, N, P và Q): 1)Nếu theo quan điểm thứ nhất thì sẽ phát sinh một bất hợp lí là: Khi cả M, N, P, Q đều bị chết thì A chỉ bị áp dụng (một) tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" (vì trong trường hợp này hành vi của A không còn có khả năng làm chết thêm bất cứ người nào khác), nhưng khi một, hai, ba hoặc thậm chí cả bốn người (trong số M, N, P, Q) không chết thì A lại bị áp dụng cả hai tình tiết "giết nhiều người" (có thể là chưa đạt) và "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" vì đây là trường hợp cố ý trực tiếp giết nhiều người 2) Nếu theo quan điểm thứ hai thì cũng phát sinh một bất hợp lí tương tự là: Khi cả M, N, P, Q đều bị chết thì A chỉ bị áp dụng (một) tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" (vì trong trường hợp này hành vi của A không còn có khả năng làm chết thêm bất cứ người nào khác), nhưng khi hai trong số bốn người (M, N, P, Q) không chết thì A lại bị áp dụng cả hai tình tiết "giết nhiều người" và "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" (vì trong trường hợp này hành vi của A vừa làm chết nhiều người lại vừa có khả năng làm chết (thêm) nhiều người khác).
Để khắc phục bất hợp lí trên, theo chúng tôi, giải pháp tối ưu là vừa sửa đổi qui định của Bộ luật hình sự năm 1999 về tình tiết định khung tăng nặng "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" vừa ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết "giết nhiều người" và "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" theo hướng: 1) Sửa tình tiết định khung tăng nặng "giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người" thành"giết người bằng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn có tính nguy hiểm cao" và hướng dẫn áp dụng tình tiết này theo hướng: "giết người bằng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn có tính nguy hiểm cao" như: ném lựu đạn vào chỗ đông người; cho thuốc độc vào bể nước công cộng; bắn súng vào tàu, xe, ca nô khi đang có nhiều người ở trên; dùng chất nổ, chất cháy giết nạn nhân hoặc giết nạn nhân bằng cách tạt a-xít khi nạn nhân đang ở cạnh người khác... Khi áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết người bằng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn có tính nguy hiểm cao" không đòi hỏi dấu hiệu có khả năng làm chết nhiều người. 2)Ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết "giết nhiều người" và "giết người bằng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn có tính nguy hiểm cao" theo hướng: Chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" khi người phạm tội cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) gây ra cái chết cho nhiều người và đã có từ hai người chết trở lên, nhưng không sử dụng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn phạm tội có tính nguy hiểm cao; Chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết người bằng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn có tính nguy hiểm cao" khi người phạm tội (vì) cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) gây ra cái chết cho một hoặc nhiều người (nên) đã sử dụng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn phạm tội có tính nguy hiểm cao, nhưng hành vi đó chưa gây ra hậu quả chết nhiều người; Phải áp dụng cả hai tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" và "giết người bằng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn có tính nguy hiểm cao" khi người phạm tội (vì) cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) gây ra cái chết cho nhiều người (nên) đã sử dụng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn phạm tội có tính nguy hiểm cao và việc sử dụng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn phạm tội đó đã gây ra hậu quả chết nhiều người. Nếu theo hướng giải quyết này thì quan điểm của Toà án nhân dân tỉnh Tiền Giang (trong vụ án 1) và quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội (trong vụ án 2) là đúng.
Giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác là tình tiết định khung tăng nặng thuộc về động cơ phạm tội, phản ánh người phạm tội có ác tính cao, rất coi thường tính mạng người khác. Tình tiết định khung tăng nặng này tuy đã được Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng trong Bản chuyên đề Tổng kết thực tiễn xét xử loại tội giết người ban hành kèm theo Công văn số 452-HS2 ngày 10-8-1970[7], nhưng do hướng dẫn chưa cụ thể, chưa đầy đủ (nhất là đối với trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác) nên cho đến nay, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trái ngược:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác chỉ nên áp dụng (một) tình tiết định khung tăng nặng "giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác".
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác chỉ nên áp dụng (một) tình tiết định khung tăng nặng "giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng".
Quan điểm thứ ba lại cho rằng: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác phải bị áp dụng cả hai tình tiết định khung tăng nặng "giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác" và "giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng". Để áp dụng pháp luật hình sự thống nhất và chính xác, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, chúng tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này theo hướng:
Thứ nhất, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân không nhằm thực hiện cũng không nhằm che giấu tội phạm khác và liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân họ chỉ phạm một tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng thì không áp dụng tình tiết nào trong hai tình tiết "giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng" và "giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác".
Thứ hai, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân không nhằm thực hiện cũng không nhằm che giấu tội phạm khác, nhưng liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân họ lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thì chỉ áp dụng một tình tiết định khung tăng nặng "giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng".
Thứ ba, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân để nhằm thực hiện hoặc để nhằm che giấu tội phạm khác và tội phạm khác này là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng được thực hiện liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân thì chỉ áp dụng một tình tiết định khung tăng nặng "giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác".
Thứ tư, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân để nhằm thực hiện hoặc để nhằm che giấu tội phạm khác và tội phạm khác này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân thì (phải) áp dụng cả hai tình tiết "giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng" và "giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác". Bởi vì, trường hợp giết người này không những có mức độ nguy hiểm cao hơn các trường hợp giết người nói trên mà nó còn thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của cả hai tình tiết "giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng" và "giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác". Do đó, nếu chỉ áp dụng một trong hai tình tiết sẽ không phản ánh đúng bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người trong trường hợp này.
- Giết người vì động cơ đê hèn
Mặc dù tình tiết giết người vì động cơ đê hèn đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trong Bản chuyên đề tổng kết thực tiễn xét xử loại tội giết người ban hành kèm theo Công văn số 452-HS2 ngày 10-8-1970[8], nhưng do hướng dẫn chưa đầy đủ nên cho đến nay vẫn còn một số tồn tại như lẽ ra phải áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "giết người vì động cơ đê hèn" thì lại không áp dụng hoặc ngược lại.
Để áp dụng thống nhất tình tiết định khung tăng nặng "giết người vì động cơ đê hèn", các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết này theo hướng: Kết hợp những trường hợp bị coi là "giết người vì động cơ đê hèn" trong Bản chuyên đề tổng kết thực tiễn xét xử loại tội giết người ban hành kèm theo Công văn số 452-HS2 ngày 10-8-1970 của Tòa án nhân dân tối cao[9] và những trường hợp có áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này trong thực tiễn, với nội dung cụ thể như sau: Động cơ đê hèn là những động cơ thể hiện sự bội bạc, phản trắc, ích kỷ, vụ lợi, hèn hạ, đáng khinh bỉ như: 1) Giết vợ hoặc giết chồng để được tự do lấy vợ hoặc lấy chồng khác. 2) Giết nạn nhân để cướp vợ hoặc cướp chồng của nạn nhân. 3) Giết người tình sau khi đi lại có mang để trốn tránh trách nhiệm. 4) Giết người vì những mục đích vụ lợi như: giết người để khỏi phải trả nợ; giết người để được hưởng di sản thừa kế hoặc tiền bảo hiểm tính mạng của người chết... 5) Giết người thực sự thương yêu, lo lắng cho quyền lợi của mình chỉ vì những duyên cớ cá nhân, ích kỷ. 6) Giết người không có khả năng tự vệ để trả thù. 7) Giết người bằng thủ đoạn lợi dụng mê tín. 8) Giết người ốm đau, bệnh tật để khỏi phải chăm sóc họ. 9) Giết người do những đòi hỏi thấp hèn, ích kỷ của mình không được đáp ứng như: đòi quan hệ sinh lý với nạn nhân, nhưng nạn nhân không đồng ý; muốn yêu hoặc muốn cưới nạn nhân, nhưng nạn nhân không yêu nên đã giết nạn nhân để nạn nhân vĩnh viễn không thuộc về bất cứ người nào khác... Nếu theo hướng dẫn này thì quan điểm của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang (trong vụ án 1) là đúng.
Trên đây là những hạn chế, sai sót và vướng mắc trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự khi định tội danh và quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người, cùng với những nguyên nhân và phương hướng khắc phục. Chúng tôi cho rằng, nếu thực hiện tốt những phương hướng trên thì hoạt động áp dụng pháp luật trong lĩnh vực hình sự sẽ đúng đắn, thống nhất và chính xác, hạn chế được tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc xét xử oan sai, tạo lập và củng cố niềm tin của nhân dân với các cơ quan bảo vệ pháp luật... qua đó góp phần ngăn chặn sự gia tăng của loại tội phạm nguy hiểm và phổ biến này.
Trích đề tài "Áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay"
TS. Nguyễn Thị Hồ
[1]Toà Hình sự Tòa án nhân dân tối cao (1999), Báo cáo bổ sung Công tác xét xử về hình sự ngày 10-01-1999, Hà Nội, tr. 2-3.
[2]Đinh Văn Quế (1998), Bình luận án, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh, tr. 100-101.
[3]Toà Hình sự Tòa án nhân dân tối cao (1999), Báo cáo bổ sung Công tác xét xử về hình sự ngày 10-01-1999, Hà Nội, tr. 2-3.
[4] Nxb. Chính trị quốc gia(1995), Quốc triều Hình luật (Luật Hình triều Lê - Luật Hồng Đức), thành phố Hồ Chí Minh, tr. 155.
[5]Nguyễn Văn Thành - Vũ Trinh - Trần Hựu (1995), Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), Từ tập I đến tập V, Nxb. Văn hoá - Thông tin, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 673.
[6] Toà án nhân dân tối cao (1979), Hệ thống hoá luật lệ về hình sự, Tập 1 (1945 - 1974), Hà Nội, tr. 345.
[7]Toà án nhân dân tối cao (1979), Hệ thống hoá luật lệ về hình sự, Tập 1 (1945 - 1974), Hà Nội, tr. 334.
[8] Tòa án nhân dân tối cao (1979), Hệ thống hoá luật lệ về hình sự, Tập 1 (1945-1974), Hà Nội, tr. 343-344.
[9] Tòa án nhân dân tối cao (1979), Hệ thống hoá luật lệ về hình sự, Tập 1 (1945-1974), Hà Nội, tr. 343-344.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận