Bàn về quyền của người bị hại

Điều 51 Bộ luật TTHS Việt Nam quy định: "Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”.

Thứ nhất, về phạm vi thực hiện quyền kháng cáo của người bị hại.Tại điểm e khoản 2 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) quy định: người bị hại có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường cũng như về phần hình phạt đối với bị cáo. Như vậy, quy định này chỉ cho phép người bị hại kháng cáo trong phạm vi phần bồi thường và phần hình phạt, những phần khác trong bản án như: phần dân sự cũng như vấn đề liên quan đến tội danh, đến khung hình phạt... nếu không đồng tình với bản án và quyết định của Tòa án thì người bị hại không có quyền kháng cáo. Trong khi đó tại Điều 231 BLTTHS lại quy định: Người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án và quyết định của Tòa án. Như vậy theo quy định này thì người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Điều luật không thể hiện bất cứ sự giới hạn nào như tinh thần của Điều 51 BLTTHS. Như vậy phải chăng nội dung hai điều luật lại mâu thuẫn với nhau và khi gặp trường hợp trên Tòa án sẽ giải quyết như thế nào? Cho đến nay chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng hai điều luật trên, vì vậy mỗi nơi áp theo cách hiểu riêng của mình. Để khắc phục sự mâu thuẫn, đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng, cũng như để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người bị hại theo chúng tôi cần thiết phải sửa lại nội dung Điều 51 BLTTHS theo hướng cho phép người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định của tòa án cấp sơ thẩm.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ hai, nghiên cứu các quy định trong BLTTHS hiện hành cho thấy pháp luật TTHS chưa khẳng định người bị hại là một bên trong tranh tụng, thực hiện chức năng buộc tội. Theo chúng tôi có lẽ đây cũng là một khiếm khuyết của các quy định pháp luật, thực chất cùng với các chủ thể khác như kiểm sát viên, nguyên đơn dân sự..., người bị hại cũng là một bên trong tranh tụng, hành vi tố tụng của người bị hại góp phần quan trọng trong tiến trình đi tìm sự thật của vụ án, công lý và sự công bằng của pháp luật, đặc biệt là trong những vụ án mà việc khởi tố phải do người bị hại yêu cầu. Do vậy, để khẳng định vị trí, vai trò và đảm bảo có hiệu quả các quyền của người bị hại chúng tôi đề nghị:

- Sửa lại Điều 191 BLTTHS theo hướng khẳng định: trường hợp tại phiên tòa người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp những người này yêu cầu hoặc đồng ý để Tòa án xét xử vắng mặt họ. Sự tham gia phiên tòa của người bị hại có mục đích hoàn toàn khác với nguyên đơn và bị đơn dân sự vì vậy không thể đồng nhất sự tham gia phiên tòa của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự với người bị hại như tinh thần của Điều luật này.

- Thực tiễn xử lý vụ án hình sự cho thấy không ít trường hợp người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ bị kẻ phạm tội hoặc những người thân của người này khống chế, đe dọa, mua chuộc, lừa dối hoặc có những thủ đoạn khác... làm cho người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ không thể tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, không thể có mặt để thực hiện việc khai báo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và vô hình chung họ lại phạm vào tội từ chối khai báo theo Điều 308 BLHS. Để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh quy định về bảo vệ người làm chứng, cũng cần bổ sung quy định về bảo vệ người bị hại khi người bị hại yêu cầu và cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở cho rằng người bị hại bị đe dọa.

- Tại khoản 4 Điều 51 BLTTHS quy định nghĩa vụ khai báo của người bị hại và nếu người bị hại không khai báo mà không có lý do chính đáng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 BLHS. Theo quan sát của chúng tôi, cho đến nay chưa có người bị hại nào bị truy cứu trách nhiệm về tội “từ chối khai báo” theo Điều 308 BLHS; chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về trường hợp từ chối khai báo có lý do chính đáng và cũng chính vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng quy định này là không thực tế. Mặt khác, đã là người bị hại lại còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ vì họ từ chối khai báo, trong khi đó bị can, bị cáo là người bị buộc tội từ chối khai báo lại không phải chịu trách nhiệm gì như vậy liệu có công bằng? Chúng tôi cho rằng quyền công dân bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ công dân, việc khai báo của người bị hại sẽ góp phần tìm ra sự thật của vụ án vì vậy khó có thể loại bỏ quy định này. Tuy nhiên, làm thế nào để một tội danh được quy định có phải tính khả thi? Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự người bị hại nào về tội “từ chối khai báo” là do chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “không có lý do chính đáng” làm căn cứ áp dụng và trong thực tế gặp trường hợp này cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý nghiêm khắc. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn để khắc phục những bất cập như đã nêu.

Thứ ba, cơ chế thỏa thuận nhận tội và bồi thường thiệt hại giữa người bị hại và bị can, bị cáo trong một số trường hợp là vấn đề được áp dụng khá phổ biến ở các nước. Ở đó, nhà nước cho phép một người phạm tội có thể thỏa thuận nhận tội với cơ quan có thẩm quyền và được phép thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại với người bị hại. Đây cũng là vấn đề mới ở Việt Nam, vì vậy trong tiến trình cải cách tư pháp, hoàn thiện các cơ chế bảo vệ quyền của công dân trong tố tụng hình sự, nên chăng chúng ta triển khai nghiên cứu cơ chế để tìm kiếm khả năng tiếp thu và vận dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta.

(Nguồn: tạp chí Khoa học pháp lý số 1/2007)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].