Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội ...
2. Chứng cứ được xác định bằng: a) Vật chứng; b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; c) Kết luận giám định; d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác". (Điều 64)
1. Vật chứng
Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Vật chứng có một số đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, vật chứng là vật cụ thể, tồn tại dưới dạng vật chất, nó có thể thể hiện dưới dạng thể rắn, thể lỏng và thể khí. Sự thể hiện của vật chứng rất phong phú với đủ hình dạng, kích cỡ, trọng lượng, màu sắc... song một điều cơ bản là để những vật thể đó trở thành chứng cứ thì nó phải liên quan đến vụ án hình sự.
Thứ hai, vật chứng chứa đựng và phản ánh trong mình những sự kiện thực tế liên quan đến vụ án, sự liên quan này có thể ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp nhưng quan trọng nó phải nằm trong mối liên quan tổng thể của vụ án hình sự và bao gồm những điển hình sau:
- Vật chứng là những vật dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội. Đây là những vật mà người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội đã sử dụng chúng để hỗ trợ quá trình thực hiện tội phạm để góp phần hoàn thành nhanh chóng và thuận lợi hơn.
- Vật chứng là những vật mang dấu vết tội phạm. ở đây, vật chứng thể hiện bằng những dấu vết mà người phạm tội đã để lại trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội (hiện trường) và dấu vết này được gọi là dấu vết hình sự. Dấu vết hình sự là “những phản ánh của các sự vật, hiện tượng để lại trong quá trình thực hiện tội phạm”.
- Vật chứng là đối tượng của tội phạm mà người phạm tội tác động đến. Ví dụ: tài sản (xe máy, dây chuyền, đồng hồ...) trong các tội chiếm đoạt tài sản, hàng hóa trong tội buôn lậu
- Vật chứng là tiền và những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Ví dụ: đồ trang sức, tiền bạc trên chiếu bạc, đồ vật mà người phạm tội đã mua sắm được bằng tài sản do chiếm đoạt của người khác, quần áo, giầy dép, mũ của người phạm tội tại hiện trường nơi xảy ra vụ án...
2. Lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án
Lời khai trong vụ án hình sự có thể nói cũng là một nguồn chứng cứ rất quan trọng. Cơ quan điều tra sử dụng hoạt động nghiệp vụ của mình để có được những lời khai, còn Hội đồng xét xử có vai trò thẩm định lại những lời khai đó một lần nữa tại phiên tòa. Trên cơ sở này, lời khai mang các ý nghĩa, giá trị khác nhau như: lời khai của bị can, bị cáo thể hiện thái độ thừa nhận hay phủ nhận hành vi phạm tội, lời khai của người làm chứng thể hiện sự hiểu biết của họ đối với những tình tiết liên quan của vụ án... Sự hình thành lời khai là một quá trình vô cùng phức tạp, nó bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan khác nhau.
Dạng nguồn chứng cứ thứ hai này có sự khác biệt so với vật chứng. Theo đó, nếu vật chứng là một vật cụ thể được xác định, mang tính vật chất và nó phản ánh khách quan về vụ án, do đó không thể có một vật nào khác thay thế cho nó. Trong khi đó, lời khai của các đối tượng trên lại được hình thành từ tư duy, ý thức của con người. Ví dụ: Khi một người biết những tình tiết của vụ án và được các cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đến với tư cách là người làm chứng, thì họ nhận thức, tri giác về nó và trên cơ sở đó, lời khai của người này là sự diễn tả lại, tạo dựng lại diễn biến vụ án thông qua lăng kính chủ quan của họ. Chính vì vậy, tính khách quan của lời khai không được đảm bảo như vật chứng, đặc biệt là trong trường hợp người khai báo lại có mối liên quan ít hay nhiều đến vụ án. Tùy từng đối tượng tham gia với tư cách nào trong vụ án như: bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự... và mối quan hệ của họ với nhau mà mỗi lời khai lại có những ảnh hưởng của đặc điểm tâm lý khác nhau. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, chẳng hạn bị cáo bao giờ có tâm lý không muốn bị các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện; người bị hại có tâm lý muốn trả thù; nguyên đơn dân sự lại mong được bồi thường thiệt hại nhiều; bị đơn dân sự lại không muốn phải bồi thiệt thiệt hại hoặc bồi thường ít; người làm chứng không thích bị phiền hà, liên lụy và họ sợ bị trả thù...
3. Kết luận giám định
Đây cũng một nguồn chứng cứ quan trọng về tình tiết của vụ án mà việc xem xét nó dựa trên kiến thức chuyên môn, khoa học kĩ thuật hay nghệ thuật... làm căn cứ vạch ra sự thật khách quan của vụ án hình sự. Bởi lẽ, kiến thức của những người tiến hành tố tụng là có giới hạn, do đó những vấn đề thuộc về chuyên môn, lĩnh vực chuyên ngành phải do cơ quan giám định đánh giá và cho ý kiến mới đưa ra kết luận chính xác. Kết luận giám định là một phán quyết mang tính khoa học bởi nó chỉ dựa trên cơ sở khoa học và không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người nên khi tìm ra sự thật của vụ án, giá trị chứng minh của kết luận giám định bao giờ cũng mang tính khách quan hơn các nguồn chứng cứ khác. Xuất phát từ tầm quan trọng của kết luận giám định trong vụ án hình sự mà người giám định phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình nếu có kết luận gian dối vì động cơ cá nhân thì sẽ bị xử lý theo Điều 308 Bộ luật hình sự năm 1999. Trường hợp giám định do một nhóm người thực hiện mà kết luận không đồng nhất thì mỗi người được góp ý kiến riêng của mình vào kết luận giám định. Do đó, việc đưa ra kết luận giám định đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao bởi nhiều kết luận có ý nghĩa quan trọng liên quan đến tính mạng, uy tín danh dự của một con người.
Trong BLTTHS, kết luận giám định là nguồn chứng cứ quan trọng được sử dụng nhằm xác định tội phạm, đối tượng tác động của tội phạm, những thiệt hại xảy ra hay xác định năng lực hành vi hình sự của bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, cũng như khả năng nhận thức của họ. Các loại trưng cầu giám định thường gặp như: Trưng cầu giám định pháp y, trưng cầu giám định kĩ thuật hình sự, trưng cầu giám định văn hoá, nghệ thuật, trưng cầu giám định kế toán, tài chính…
4. Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.
Những biên bản, tài liệu, đồ vật khác cũng có thể được coi là nguồn chứng cứ khi đáp ứng các điều kiện do luật định và chúng được quy định cụ thể tại Điều 77-78 BLTTHS năm 2003.
4.1. Biên bản về hoạt động điều tra và xét xử. Biên bản về hoạt động điều tra và xét xử là một trong những biện pháp tố tụng được thực hiện trong quá trình chứng minh. Mọi thông tin về nội dung và những tình tiết liên quan đến vụ án hình sự được ghi chép lại theo quy định của pháp luật tức là lập thành biên bản. Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử không những là một nguồn chứng cứ có giá trị trong vụ án hình sự, mà còn là căn cứ kiểm tra các trình tự, thủ tục hoạt động trong quá trình tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật có được bảo đảm hay không nhằm góp phần bảo đảm tính hợp pháp và tính khách quan của chứng cứ. Biên bản ở đây có thể là biên bản bắt người, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, biên bản phiên tòa và các biên bản khác về các hoạt động tố tụng khác tiến hành theo quy định của Bộ luật này.
Có thể khẳng định rằng, không một vụ án hình sự nào lại thiếu được biên bản, bởi vì mọi hoạt động chỉ coi là hợp pháp, công khai khi nó được ghi nhận trong biên bản. Cho nên, nguồn chứng cứ này mang ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, về thực tiễn biên bản hoạt động điều tra, xét xử không được nhìn nhận đúng vai trò của nó, Chính vì vậy, là nguồn chứng cứ quan trọng ghi nhận những sự việc mà cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nên thông tin của nó cần đầy đủ về nội dung, chuẩn xác về hình thức và hợp lý về pháp lý. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy một số vụ án khó khăn, vướng mắc không phải ở quá trình (khâu) điều tra, truy tố, xét xử mà là ở khâu ghi nhận những hoạt động, kết quả của quá trình đó trong biên bản. Do đó, đòi hỏi trong pháp luật tố tụng hình sự cần có quy định cụ thể hơn nữa về cách lập, ghi biên bản và xử lý những người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi vì, biên bản hoạt động điều tra, xét xử là một nguồn chứng cứ quan trọng trong vụ án hình sự và nói chung nó được dùng phổ biến nhất trong các hoạt động tố tụng hình sự.
4.2. Các tài liệu, đồ vật khác trong vụ án. Các tài liệu, đồ vật khác trong vụ án hình sự cũng được coi là nguồn chứng cứ có giá trị trong quá trình chứng minh. Đó là các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, không phải do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập mà do các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp. Tuy nhiên, quy định này theo chúng tôi còn thể hiện sự chưa rõ ràng và chính xác. Thực tế cho thấy những tài liệu, đồ vật được cung cấp từ những cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thường không bảo đảm tính hợp pháp. Hơn nữa, sự hạn chế của loại nguồn chứng cứ này ở chỗ các tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức hay cá nhân cung cấp có được cơ quan tiến hành tố tụng chuyển hóa thành chứng cứ pháp lý có giá trị chứng minh hay không. Nếu không được chuyển hóa thành chứng cứ pháp lý thì chúng không có giá trị chứng minh.
Kết luận giám định là một nguồn chứng cứ có tính chất chuyên môn khoa học, nó có giá trị pháp lý và được sử dụng trong công tác điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra, nó là công cụ, phương tiện tích cực giúp cơ quan điều tra có hướng xác minh, điều tra sự thật, giúp cho Tòa án xác định, kết luận về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, về tội phạm… Cho nên, về nguồn chứng cứ này, nhằm khẳng định về mặt hình thức pháp lý của kết luận giám định, đồng thời chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, BLTTHS năm 2003 đã bổ sung thêm quy định là: “Kết luận giám định phải được thể hiện bằng văn bản” (đoạn 2 khoản 1 Điều 73). Ngoài ra, để bảo đảm tính độc lập và khách quan trong hoạt động tố tụng khi có nhiều người tham gia giám định, nhà làm luật còn bổ sung thêm quy định đó là “trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận riêng”.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận