Bình luận quy định về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Tố giác và tin báo về tội phạm được pháp luật quy định là những cơ sở để xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm. Người báo tin về tội phạm không nhất thiết phải là người bị hại hoặc có quan hệ trực tiếp đến tội phạm đã xảy ra.

Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi nhận việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhằm giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiến hành thuận lợi.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Căn cứ pháp lý về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Phân biệt tố giác và tin báo về tội phạm

Tố giác và tin báo về tội phạm được pháp luật quy định là những cơ sở để xác định có dấu hiệu tội phạm hay không. Điều đó cũng khẳng định rằng, cơ quan có thẩm quyền muốn khởi tố vụ án hình sự, phát động những quan hệ tố tụng hình sự phải bắt đầu từ những tin tức về tội phạm được chính thức thông báo chứ không phải là những lời đồn đại không có căn cứ. Người báo tin về tội phạm không nhất thiết phải là người bị hại hoặc có quan hệ trực tiếp đến tội phạm đã xảy ra.

Cần phân biệt tố giác tội phạm với tin báo về tội phạm:

Tố giác tội phạm được hiểu là sự tố cáo của công dân về những hành vi nào đó mà họ cho rằng đó là tội phạm. Công dân có quyền và nghĩa vụ tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà họ biết với các cơ quan, tổ chức. Luật cho phép công dân có thể tố cáo về tội phạm với bất cứ cơ quan, tổ chức nào mà họ thấy thuận tiện không nhất thiết phải là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án. Trong tất cả các trường hợp đó, sự tố cáo của công dân về tội phạm đều được coi là tố giác. Tố giác tội phạm có thể bằng miệng có thể trực tiếp hoặc qua thư, điện thoại hoặc bằng văn bản…Trường hợp người bị hại trình báo về sự kiện phạm tội liên quan đến họ cũng được coi là tố giác tội phạm. Có thể hiểu sự tố giác của công dân qua điện thoại như là hình thức tố giác bằng miệng. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, không có thể nói tới việc lập biên bản với chữ ký của người tố giác tội phạm ngay. Do đó, việc tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm như thế phải được giải quyết theo những thủ thuật phức tạp hơn. Mặc dầu Điều luật không quy định chi tiết về vấn đề này nhưng rõ ràng khi nhận được thông tin tố giác tội phạm qua điện thoại cơ quan tổ chức nhận tin phải kiểm tra, ghi nhận số điện thoại và tên tuổi, địa chỉ của người tố giác và những thông tin khác có ý nghĩa phục vụ xác định người tố giác, giải thích trách nhiệm cho họ. Mặt khác, các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền phải kiểm tra và có trách nhiệm thiết lập liên hệ trực tiếp với người tố giác tội phạm để làm rõ căn cứ khởi tố vụ án. Trường hợp người bị hại trình báo và yêu cầu khởi tố thì bản chất của sự việc cũng là sự tố giác về tội phạm, chính vì thế điều luật không quy định riêng một khoản độc lập.

Tin báo về tội phạm được hiểu là thông tin, thông báo, báo cáo của các cơ quan, tổ chức với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án về những hành vi, vụ việc đã xảy ra mà các cơ quan, tổ chức đó cho là tội phạm.Khái niệm tin báo được hiểu một cách tương đối, xét trong mối liên hệ với tố giác tội phạm. Tô giác tội phạm là hành vi của công dân là người mục kích, người nhận được thông tin về tội phạm hoặc là nạn nhân của tội phạm với một cơ quan, tổ chức bất kỳ nào đó. Trong khi đó, ý nghĩa tin báo phản ánh mối liên hệ giữa một chủ thể có tính chất pháp nhân – cơ quan, tổ chức truyền tin đi với một cơ quan có trách nhiệm trong hệ thống chủ thể thực hiện các quyền năng tố tụng hình sự mà trực tiếp ớ đây là quyền khởi tố vụ án hình sự. Trong đó, tin báo tội phạm có thể là sự chuyển tiếp những thông tin mà cơ quan, tổ chức đã nhận được từ tố giác tội phạm của công dân. Cũng có thể là những thông tin thu được từ hoạt động nghiệp vụ của ngay chính tổ chức đó (ví dụ, qua thanh tra, kiểm tra) hoặc được phản ánh bằng chính hoạt động truyền thông theo chức năng nghề nghiệp (các cơ quan thông tin đại chúng).Căn cứ vào Điều 144 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì tin báo tội phạm có thể được phân thành hai loại: Tin báo tội phạm có thể là tin do cơ quan, tổ chức gửi đến cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự (khoản 2, Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự) trực tiếp phản ánh về tội phạm; tin báo có thể được chính thức thông báo hoặc phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng mà các cơ quan chuyên trách đấu tranh với tội phạm có thẩm quyền phải xem xét, nghiên cứu để rút ra những kết luận (khoản 3. Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự).

Tố giác tội phạm và tin báo tội phạm cần phải được thể hiện hoăc ghi nhận bằng những hình thức nhất định.

Theo quy định tại điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 việc tiếp nhận những thông tin về tội phạm từ công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự, công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức khác.Không chỉ các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Cơ quan điều tra, mà Điều luật còn quy định, các cơ quan khác, các tổ chức, bất kể là cơ quan, tổ chức nào khi công dân tố giác tội phạm đều có trách nhiệm tiếp nhận.Pháp luật quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho cơ chế thông tin về tội phạm được nhanh chóng, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia rộng rãi và thuận tiện vào cuộc đấu tranh với tội phạm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc đấu tranh với tội phạm, bảo vệ trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.Cũng theo quy định tại điều trên, nếu công dân tố giác tội phạm bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản tiếp nhận.Biên bản tiếp nhận tố giác tội phạm của công dân được lập theo yêu cầu chung được quy định tại Điều 133 của Bộ luật tố tụng hình sự. Người tố giác tội phạm được giải thích về trách nhiệm của mình đối với những thông tin đã tố giác, Biên bản phải ghi rõ nội dung tố giác và phản ánh rõ nguồn gốc thông tin về tội phạm mà người tố giác biết được. Biên bản phải được người tố giác ký xác nhận.Cơ quan, tổ chức nhận được tố giác tội phạm của công dân có trách nhiệm phải thông báo cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản để xem xét việc khởi tô hay không khởi tố vụ án hình sự.Đối với những vụ án mà luật quy định chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, các cơ quan tiếp nhận thông tin ban đầu đó cũng phải làm các thủ tục như đối với các trường hợp khác khi công dân tố giác tội phạm.Cơ quan, tổ chức khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình mà phát hiện thấy có dấu hiệu tội phạm cũng phải báo tin ngay cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.

Có thể thấy rằng, có hai loại cơ quan, tổ chức mà khi thực hiện các chức năng của mình có khả năng phát hiện dấu hiệu tội phạm: Loại thứ nhất là các cơ quan có chức năng bảo vệ pháp luật, chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động phòng ngừa, phát hiện tội phạm trên địa hạt mình quản lý. Đó có thể là các cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển,… Thông qua các hoạt động chức năng của mình các cơ quan này có nhiều khả năng phát hiện dấu hiệu tội phạm. Ngoài một số trường hợp mà luật quy định các cơ quan này có thể tiến hành kiểm tra, xác minh và khởi tố vụ án, các cơ quan này có trách nhiệm phải cung cấp bằng văn bản cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền các thông tin, tài liệu về tội phạm, phối hợp với Cơ quan điều tra trong việc khám phá tội phạm đã xảy ra; loại thứ hai, là các cơ quan tổ chức, tuy không có chức trách hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng hoạt động chức năng của họ dễ phát hiện ra các dấu hiệu tội phạm, ví dụ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, các cơ quan kiểm toán,… Những cơ quan này trong quá trình thực hiện chức năng của mình do phải thường xuyên kiểm tra tính đúng đắn, hợp pháp của các hoạt động kinh tế – xã hội trong lĩnh vực quản lý của mình mà có thể phát hiện được những dấu hiệu của tội phạm.

Luật quy định, trong mọi trường hợp các cơ quan, tổ chức đã tiếp nhận tố giác tội phạm đều phải chuyển những thông tin đã tiếp nhận đến Cơ quan điều tra bằng văn bản. Văn bản phải ghi rõ nội dung thông tin về tội phạm mà họ phát hiện được và phải phản ánh rõ những nguồn gốc của các thông tin đó. Điều luật không quy định cụ thể cơ quan điều tra nào, điều đó có nghĩa là cơ quan điều tra nào tiếp nhận tin báo tội phạm, tố giác tội phạm cũng phải tiếp nhận và có trách nhiệm chuyển đến cơ quan điều tra có thẩm quyền. Điều này cần thiết được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật và hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Thị yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Trong trường hợp thấy không đúng thẩm quyền của mình thì cơ quan đã tiếp nhận thông tin về tội phạm, kể cả Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đều phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó; không được viện bất cứ lý do gì mà trì hoãn hoặc từ chối việc tiếp nhận thông tin về tội phạm hoặc không thông báo. Việc giải quyết tin báo tội phạm, tố giác tội phạm phải theo đúng thẩm quyền và thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 146) và các văn bản pháp luật về tố tụng hình sự quy định.

Sở dĩ Điều 144, Bộ luật tố tụng hình sự quy định các khoản khác nhau quy định về tin báo tội phạm của các cơ quan, tổ chức và tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng là vì những lý do về thủ tục tiếp nhận, trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu và giải quyết những loại tin báo đó có những điểm cụ thể khác nhau…Theo quy định thì, các cơ quan, tổ chức khi phát hiện tội phạm hoặc nhận được tố giác tội phạm của công dân phải báo tin về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản. Như vậy, tin báo của cơ quan hoặc tổ chức là tin có địa chỉ cụ thể, đã được các cơ quan tổ chức đó sơ bộ kiểm tra (kể cả từ sự tố giác của công dân cũng như do chính cơ quan tổ chức đó phát hiện). Luật quy định rằng các cơ quan tổ chức khi phát hiện được hoặc nhận được tố giác tội phạm của công dân phải báo tin ngay. Mặc dù luật không quy định thời gian cụ thể nhưng yêu cầu báo ngay đó có thể hiểu là khi nhận được thông tin về tội phạm cơ quan, tổ chức phải lập tức triển khai các biện pháp luật định về lập biên bản, ghi nội dung, thực hiện sự sơ bộ kiểm tra các yếu tố cần thiết để bảo đảm độ tin cậy khách quan của nguồn tin, sau đó không chậm trễ gửi thông báo (báo cáo,..) cho Cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án nhận được tin báo về tội phạm cũng phải chuyển ngay những tin báo, tố giác tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đồng thời, với loại tin báo này, pháp luật quy định. Cơ quan điều tra phải thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm. Khoản 3, Điều 146 quy định: kết quả giải quyết tin báo tố giác tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố phải được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.

Ngoài ra, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người đã tố giác nếu tin báo của cơ quan, tổ chức gửi đến cơ quan điều tra là kết quả xử lý ban đầu sự tố giác của công dân.

Đối với tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng thì khi có tin báo tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình… cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét và giải quyết tin báo đó theo quy định của pháp luật. Khác với loại tin báo nói trên luật không quy định cụ thể các yêu cầu về việc thông báo bằng văn bản và áp dụng các biện pháp bảo vệ người đã đưa tin.

Như vậy, đòi hỏi phải có sự nhận thức rõ và phân hoá tố giác tội phạm và tin báo tội phạm.Sở dĩ nhà làm luật quy định các cơ quan, tổ chức nhận được tin báo, tố giác của công dân hoặc trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm đều phải thông tin, báo cáo về những thông tin đó bằng văn bản cho Cơ quan điều tra, mà không quy định thông báo đến các cơ quan khác là nhằm bảo đảm cho thông tin về tội phạm được tập trung, xử lý nhanh chóng hơn, tạo thêm một bảo đảm cho việc thực hiện nguyên tắc khách quan trong tố tụng hình sự, đồng thời thuận tiện cho công dân tham gia đấu tranh với tội phạm.


Bài viết thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail:[email protected],[email protected].