Các biện pháp điều tra đặc biệt trong vụ án hình sự

Các biện pháp điều tra đặc biệt lần đầu tiên được thừa nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 với 01 Chương (Chương XVI) và 08 điều (từ điều 223 đền điều 228).

Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là chế định mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Một mặt, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có ý nghĩa lớn đối với việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Các biện pháp này, mặt khác, cũng tác động trực tiếp đến các quyền tự do các nhân, quyền cơ bản của công dân do Hiến pháp quy định.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Điều 223, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau:

“Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: (1). Ghi âm, ghi hình bí mật; (2). Nghe điện thoại bí mật; (3). Thu thập bí mật dữ liệu điện tử”.

Theo quy định tại điều luật, có 03 biện pháp điều tra bí mật đặc biệt, bao gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

So với các biện pháp điều tra bí mật mà pháp luật quốc tế khuyến nghị sử dụng, nhà làm luật Việt Nam mới chỉ bước đầu thừa nhận những biện pháp cơ bản, thiết yếu. Ngoài ra, còn có các biện pháp phổ biến chưa được thừa nhận là: vận chuyển có kiểm soát; đưa người thâm nhập tổ chức và tiếp cận cá nhân phạm tội để thu thập chứng cứ .

Có thể thấy, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong tố tụng hình sự chủ yếu là các biện pháp nhằm bí mật thu thập chứng cứ: ghi âm bí mật, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật hoặc thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng kết hợp nhiều biện pháp điều tra này nhằm đảm bảo mục đích thu thập chứng cứ, phục vụ cho việc đấu tranh phòng, chổng tội phạm.

Đồng thời với quy định liệt kê các biện pháp điều tra đặc biệt trong tố tụng hình sự, nhà làm luật đưa ra một nguyên tắc đối với nhóm biện pháp này. Đó là, các biện pháp này chỉ được sử dụng “sau khi khởi tố vụ án hình sự, trong quá trình điều tra". Khác với một số biện pháp điều tra khác như khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được áp dụng trong giai đoạn điều tra.

Giai đoạn điều tra là giai đoạn quan trọng trong mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam. Nhiệm vụ của giai đoạn này, về cơ bản, là thu thập chứng cứ để xác định tội phạm và người phạm tội, thu thập chứng cứ về các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự. Do biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được áp dụng đổi với các tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng nên ngoài yêu cầu điều tra, giải quyết đối với vụ án đã khởi tố, hoạt động phòng ngừa tội phạm cũng được ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Mức độ áp dụng, thời điểm áp dụng, thời hạn áp dụng, trường hợp và loại biện pháp điều tra đặc biệt áp dụng cần được nhà làm luật cân nhắc kĩ, một mặt đảm bảo yêu cầu đấu tranh chống, phòng ngừa tội phạm, mặt khác đảm bảo không lạm quyền, xâm phạm đến quyền cơ bản của công dân.

Trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Điều 224, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau:

“Có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp:
1. Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;
2. Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Theo quy định trên, căn cứ để nhà làm luật đưa ra trường hợp áp dụng gồm hai tiêu chí: tiêu chí về nhóm quan hệ xã hội hoặc quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại và tiêu chí vê phân loại tội phạm.

Theo tiêu chí đầu tiên, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được áp dụng đối với 4 tội/nhóm tội:

- Tội xâm phạm an ninh quốc gia;
- Tội phạm về ma túy;
- Tội phạm về tham nhũng;
- Tội khủng bố;
- Tội rửa tiền.

Theo tiêu chí thứ hai, các biện pháp điều tra tổ tụng đặc biệt được áp dụng khi có đủ hai điều kiện: một là, đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; hai là, tội phạm đó phải có dấu hiệu “tội phạm có tổ chức".

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].