Đánh người trong trường hợp nào sẽ bị đi tù?

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hỏi: Trong tiệc sinh nhật tổ chức tại quán karaoke, bạn trai tôi to tiếng với nhân viên phục vụ. Anh ấy không kiềm chế được đã lấy chai bia đánh người này. Theo kết luận giám định, nhân viên của quán bị thương tật 10%. Đề nghị Luật sư tư vấn, trong trường hợp này, bạn tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Đặng Hương - Hải Phòng)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198.

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm…”.

Tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” được hướng dẫn tại mục 3.1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 như sau: “Dùng hung khí nguy hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật hình sự là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Theo tiểu mục 2.2, phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công, cụ thể: "a. Về công cụ, dụng cụ. Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn... b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ... c. Về vật có sẵn trong tự nhiên. Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…".

Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, chai bia được coi là hung khí nguy hiểm, nếu sử dụng chai bia tấn để công người khác sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. Đối với trường hợp của anh (chị), mặc dù nhân viên quán karaoke chỉ bị thương tật dưới 11% nhưng người bạn của anh (chị) lại dùng hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho anh này nên vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.