Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có những quy định cụ thể hơn nhằm xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
1. Về thẩm quyền xét xử theo cấp
Thẩm quyền xét xử theo cấp của Tòa án được quy định tại điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS)năm 2015như sau:“1. Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm: (a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; (b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; (c) Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự; (d) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án: (a) Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực; (b) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài; (c) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người”.
Như vậy, so với BLTTHS năm 2003, quy định của BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, các vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 cũng quy định một cách cụ thể hơn về các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện nhưng được Tòa án cấp tỉnh lấy lên để xét xử đó là các vụ án có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
2. Về thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ
Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo lãnh thổ được quy định tại điều 269 BLTTHS năm 2015.
Điểm mới đáng chú ý của BLTTHS năm 2015 là quy định “Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử”. Như vậy, ngoài Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng có thẩm quyền giải quyết các vụ án hình sự mà bị cáo phạm tội ở nước ngoài nhưng xét xử tại Việt Nam.
3. Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự tại điều 272:
“1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
2. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.”
4. Việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự
Vấn đề này được quy định tại điều 273 BLTTHS năm 2015.
“Khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện:
1. Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân;
2. Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.”
5. Chuyển vụ án để xét xử
Vấn đề chuyển vụ án để xét xử quy định trong BLTTHS năm 2015 rõ ràng và cụ thể hơn trong BLTTHS năm 2003. Cụ thể:
“1. Khi vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát đã truy tố phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố để giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu thực hiện theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này.
Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền.
2. Thời hạn truy tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn được thực hiện theo quy định tại Điều 240 và Điều 241 của Bộ luật này.”
6. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử
“1. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giữa các Tòa án quân sự khu vực trong cùng một quân khu do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu quyết định.
2. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, giữa các Tòa án quân sự khu vực thuộc các quân khu khác nhau do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi kết thúc việc điều tra quyết định.
3. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, giữa các Tòa án quân sự cấp quân khu do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương quyết định.
4. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.
Việc chuyển vụ án để xét xử theo thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Điều 274 của Bộ luật này.”
Điều 275 BLTTHS năm 2015 quy định chi tiết, cụ thể hơn về các trường hợp tranh chấp về thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, việc quy định như vậy vẫn chưa giải quyết được triệt để những vướng mắc về thẩm quyền xét xử.
- Giới thiệu về Công ty Luật TNHH Everest
- Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
- Hoạt động vì cộng đồng của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận