Góp ý sửa đổi phần Thi hành bản án và quyết định của Tòa án trong Tố tụng hình sự

Trên thực tế, thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật với thời điểm Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Chánh án Tòa án được ủy thác ra quyết định thi hành là khác nhau.

Thứ nhất, cần sửa đổi Điều 255 BLTTHS quy định về những bản án và quyết định được thi hành "Những bản án và quyết định được thi hành” là nội dung mà Điều 255 BLTTHS và Điều 2 Luật THAHS đều quy định. Tuy nhiên, khi so sánh hai điều luật, chúng ta thấy:Điều 255 BLTTHS quy định chưa đầy đủ, chưa bao quát được hết tất cả các loại bản án và quyết định được thi hành như Điều 2 Luật THAHS. So với Điều 2 Luật THAHS, Điều 255 BLTTHS quy định thiếu, cần phải bổ sung hai trường hợp bản án, quyết định của Tòa án được thi hành để cho phù hợp và đầy đủ, đó là: 1) Quyết định của Tòa án Việt Nam tiếp nhận người đang chấp hành án phạt ở nước ngoài về Việt Nam chấp hành án và đã có quyết định thi hành; quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài; 2) Bản án, quyết định về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Trên thực tế, thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật với thời điểm Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Chánh án Tòa án được ủy thác ra quyết định thi hành là khác nhau, nên chúng tôi cho rằng, đối với quan hệ xã hội phát sinh trong khoảng thời gian từ khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa có quyết định thi hành thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật THAHS mà thuộc phạm vi điều chỉnh của BLTTHS. Theo chúng tôi, cần phải xác định hoạt động thi hành án được bắt đầu ngay khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, bởi vì việc thi hành án bao gồm cả hoạt động Tòa án ra quyết định thi hành án, chứ không phải bắt đầu từ khi Tòa án ra quyết định thi hành án; điều này hoàn toàn phù hợp với quy định Viện kiểm sát nhân dân có quyền yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới ra quyết định thi hành án hình sự theo khoản 1 Điều 141 Luật THAHS. Vì vậy, bên cạnh việc liệt kê những bản án và quyết định được thi hành tại khoản 1 Điều 255 BLTTHS cần phải quy định thêm điều kiện để được thi hành là "đã có quyết định thi hành” giống như khoản 1 Điều 2 Luật THAHS là rất cần thiết.Một nguyên tắc cần xem xét việc thi hành bản án của Tòa án, đó là việc xác định thời hiệu thi hành án. Chỉ những bản án còn trong thời hiệu thi hành bản án thì mới có đủ điều kiện thi hành hình phạt tù và do đó cần quy định trường hợp các bản án còn thời hiệu thi hành án là căn cứ để thi hành án trong khoản 1 Điều 255 BLTTHS.Từ những phân tích trên, để thống nhất quy định của pháp luật về thi hành án, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 255 BLTTHS cụ thể như sau:"Điều 255. Những bản án và quyết định được thi hành1. Những bản án và quyết định được thi hành là những bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật, đã có quyết định thi hành và còn thời hiệu thi hành, bao gồm:Những bản án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm (giữ nguyên);b) Những bản án và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm (giữ nguyên)c) Những quyết định của Tòa án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (giữ nguyên). 2.Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị, kháng cáo (giữ nguyên)3. Quyết định của Tòa án Việt Nam tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam chấp hành án và đã có quyết định thi hành; quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài.(bổ sung)4. Bản án, quyết định về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng (bổ sung).

Thứ hai, sửa đổi Điều 256 BLTTHS quy định về thủ tục đưa ra thi hành bản án và quyết định của Tòa án.Hiện nay, BLTTHS chưa có quy định Tòa án ra quyết định thi hành án phạt tù đối với trường hợp người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm chuyển xuống tù chung thân. Quyết định thi hành án trong trường hợp này là rất quan trọng, đánh dấu thời điểm người bị kết án chấp hành án phạt tù để từ đó xác định việc xét giảm thời hạn chấp hành án khi phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án xuống 20 năm tù và đảm bảo được hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án theo Điều 25 Luật THAHS; ngoài ra đối với người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian người đó đã bị tạm giữ, tạm giam cũng được trừ vào thời gian người đó chấp hành án trong trường hợp được xét ân giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân. Do vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung Điều 256 BLTTHS quy định: Đối với trường hợp người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm chuyển xuống tù chung thân, trong thời hạn 24 giờ kể từ ngày nhận được quyết định ân xá Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành hình phạt tù chung thân đối với bị án.

Một vấn đề đặt ra là trong trường hợp thời hạn tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã bị tạm giam thì Tòa án có ra quyết định thi hành án nữa không? Có hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này, quan điểm thứ nhất cho rằng không ra quyết định thi hành án phạt tù trong trường hợp này vì không còn vấn đề gì phải thi hành án và quan điểm thứ hai cho rằng cần thiết phải ra quyết định thi hành án để tính thời gian người đó chấp hành án cũng như việc người đó chấp hành xong hình phạt tù và là căn cứ để xác định việc xóa án tích trong trường hợp này. Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai và cho rằng cần phải bổ sung Điều 256 BLTTHS quy định: Trong trường hợp thời hạn tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã bị tạm giam, trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tuyên án Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án.

Khoản 5 Điều 13 Luật THAHS quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh là "Ra quyết định truy nã và phối hợp tổ chức lực lượng truy bắt phạm nhân bỏ trốn khỏi trại tạm giam hoặc cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, người được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn”. Khoản 6 Điều 15 Luật THAHS quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện là "Lập hồ sơ và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để đề nghị .....; đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã đối với người trốn thi hành án phạt tù”. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 13 và Khoản 6 Điều 15 Luật THAHS nêu trên thì quy định". Trong trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn, thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan Công an cùng cấp ra quyết định truy nã” tại Khoản 4 Điều 256 BLTTHS không còn chuẩn. Do vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi Khoản 4 Điều 256 BLTTHS như sau: "Trong trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn, thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan Công an cấp có thẩm quyền ra quyết định truy nã”.

Thứ ba, cần sửa đổi Điều 257 BLTTHS quy định về cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án và quyết định của Tòa án.Luật THAHS có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đã quy định những cơ quan chuyên trách nằm trong hệ thống cơ quan thi hành án hình sự, do đó việc quy định cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án và quyết định của Tòa án theo Điều 257 BLTTHS không còn phù hợp. Ở đây, chúng tôi cho rằng Điều 257 BLTTHS chỉ cần những quy định mang tính nguyên tắc chung nhất của hoạt động thi hành án và do đó, cần quy định việc thi hành bản án giữa thi hành bản án và quyết định của Tòa án quân sự với bản án và quyết định của Tòa án không thuộc lĩnh vực quân sự và việc thi hành bản án và quyết định thi hành hình phạt tiền của Tòa án.

Thứ tư, cần sửa đổi Chương XXI BLTTHS về thi hành hình phạt tử hình, trong đó bỏ Điều 259 BLTTHS về thi hành hình phạt tử hình vì việc thi hành hình phạt tử hình đã được thực hiện theo Chương IV Luật THAHS về thi hành án tử hình. Tuy nhiên, việc quy định thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành hết sức cần thiết và vấn đề này cần được quy định trong BLTTHS như hiện nay.

Thứ năm, cần sửa đổi Chương XXVII về thi hành hình phạt tù và các hình phạt khác và Chương XXVIII về giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt.Mặc dù việc thi hành hình phạt tù và các hình phạt khác được quy định khá cụ thể trong Luật THAHS, Luật THADS. Tuy nhiên, đối với quy định hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì cần quy định về việc điều kiện áp dụng và thẩm quyền của Tòa án ra các quyết định này như Điều 261, 262 BLTTHS. Nhưng việc hiểu hoãn chấp hành án phạt tù khác tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù từ trước đến nay cũng cần phải có nhận thức lại. Theo Điều 61 Bộ luật hình sự quy định "người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt...”, Điều 62 Bộ luật hình sự quy định "người đang chấp hành hình phạt tù... có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù”, và từ đó có thể hiểu người bị kết án có đủ điều kiện mà chưa chấp hành án thì có thể được hoãn chấp hành án, và nếu đang chấp hành án phạt tù thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; riêng Điều 261 BLTTHS lại quy định " đối với người bị xử phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể...cho hoãn chấp hành hình phạt tù”. Vấn đề đặt ra ở đây trong trường hợp người bị xử phạt tù mà bị tạm giam để chờ thi hành án, có đủ điều kiện thì hoãn chấp hành án phạt tù hay tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và thời điểm để xác định người đó chấp hành án là từ khi Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hay Cơ quan quản lý thi hành án hình sự (Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng) ra quyết định đưa người bị kết án đi chấp hành án hay thời điểm cơ sở giam giữ (Trại giam, Trại tạm giam) nhận người bị kết án? Vấn đề này đặt ra nhiều thắc mắc và đã được giải quyết theo Điều 10 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT ngày 15/5/2013 hướng dẫn thi hành quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân quy định tạm đình chỉ đối với người đang chờ đưa đi chấp hành án phạt tù. Như vậy, đối với người bị kết án đang chờ đi chấp hành án có đủ điều kiện thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Do đó, cũng cần quy định trường hợp này trong Điều 262 BLTTHS.

Ngoài ra, việc quy định "Nếu trong thời gian được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà người bị kết án có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã cho hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định thi hành án để bắt họ đi chấp hành hình phạt tù” là không phù hợp vì theo quy định Luật THAHS năm 2010 thì đối với những trường hợp này, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Chánh án Toà án đã ra quyết định hoãn hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ (khoản 4 Điều 24 và khoản 4 Điều 32 Luật THAHS năm 2010) mà không ra quyết định thi hành án để bắt họ đi chấp hành hình phạt. Ngoài ra, cần quy định đối với hình phạt tiền và biện pháp tư pháp tịch thu tài sản được thực hiện theo Luật THADS năm 2008 để phân định rõ thi hành hình phạt và biện pháp tư pháp này với việc thi hành hình phạt khác.

Do đó, chúng tôi đề nghị bỏ các điều 260, 263, 264, 265, 266 và 267 BLTTHS. Bổ sung quy định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án đang chờ đi chấp hành án tại Điều 262 BLTTHS.Việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS hiện nay là vấn đề cần thiết, đặc biệt với các quy định về thi hành bản án và quyết định của Tòa án để phân biệt cụ thể với các quy định về thi hành án trong Luật THAHS và Luật THADS. Sự đóng góp các công trình nghiên cứu, các ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu là hết sức quan trọng để góp phần hoàn thiện Bộ luật này.

(Nguồn: Đinh Hoàng Quang – Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].