Loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh...

Bộ luật Hình sự (viết tắt là BLHS) năm 2015 đã quy định bổ sung ba trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (viết tắt là TNHS) là trường hợp “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” (Điều 24); trường hợp “Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ” (Điều 25); và trường hợp “Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên” (Điều 26).

Theo đó, Điều 26 BLHS năm 2015 quy định trường hợp được miễn TNHS khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên, như sau: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Nghiên cứu quy định này, có thể thấy ý tưởng của nhà làm luật khi vận dụng Điều 26 BLHS năm 2015, phải thỏa mãn ba yếu tố sau:

- Việc chấp hành mệnh lệnh mà gây ra thiệt hại cho xã hội chỉ được áp dụng trong lực lượng vũ trang nhân dân. Còn việc thực hiện mệnh lệnh hành chính trong các lĩnh vực khác mà gây thiệt hại thì không được loại trừ TNHS.

- Người chấp hành mệnh lệnh khi thấy có vấn đề không bình thường phải báo cáo đầy đủ với người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh.

- Người thi hành mệnh lệnh đã thực hiện mệnh lệnh nên gây thiệt hại cho xã hội. Hậu quả thiệt hại cho xã hội có thể là thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng con người.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, lực lượng vũ trang (LLVT) bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Ngoài chức năng là lực lượng nòng cốt đảm bảo quốc phòng, an ninh, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, LLVT tích cực, chủ động trong phòng, chống bão, lụt, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai,…Từ đặc thù của nhiệm vụ của LLVT, đòi hỏi việc chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy, cấp trên rất khẩn trương, nhanh chóng và chính xác. Đó là quan hệ chỉ huy và phục tùng của cấp dưới với cấp trên, cấp dưới tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì, chính vì yếu tố đó tạo thành kỷ luật “sắt” trong môi trường Quân đội nói riêng, LLVT nói chung, do đó, người thực thi mệnh lệnh của người chỉ huy, cấp trên trong mọi trường hợp đều không có lỗi, cho dù hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng có xảy ra. Ngược lại, quan hệ hành chính dân sự diễn ra trong điều kiện, môi trường mà tính chất khắc nghiệt không cao, mà ở đó con người vẫn có tính chủ động nhất định, có điều kiện cân nhắc kỹ lưỡng hơn về tính trái pháp luật của mệnh lệnh, chính vì vậy, mà trong những trường hợp gây thiệt hại xảy ra không phải là việc chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên trong LLVT, điều không được miễn trừ TNHS, mà chỉ có thể xem xét giảm nhẹ TNHS mà thôi.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả điều luật này chưa đề cập đến trường hợp “bất khả kháng” mà người thực thi mệnh lệnh nhận thức được mệnh lệnh đó rõ ràng là không hợp pháp, nhưng không thể thực hiện đúng quy trình thỉnh thị, báo cáo xin ý kiến kịp thời của người ra mệnh lệnh hoặc của cấp trên do điều kiện khách quan chi phối, như giải pháp thông tin liên lạc bất ngờ bị gián đoạn hoặc vô hiệu hóa, do tính chất khẩn trương của nhiệm vụ mà không thể trì hoãn được và hậu quả thiệt hại đã xảy ra thì họ có phải chịu TNHS cùng với người ra mệnh lệnh trái pháp luật đó không? Bởi, Điều luật chỉ quy định người thực hiện hành vi gây thiệt hại đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, để minh bạch hóa Điều 26 BLHS năm 2015, theo tác giả, Điều luật này có thể viết lại theo hướng sau:

"Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, hoặc do sự cố bất khả kháng không thể thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này”
.

Mặt khác, nếu không được hướng dẫn, giải thích rõ ràng hơn về chủ thể có thẩm quyền ra mạnh lệnh quy định tại Điều 26 BLHS năm 2015, chắc chắn sẽ gặp vướng mắc khi áp dụng, bởi, lực lượng dân quân tự vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Dân quân tự vệ năm 2009: “Dân quân tự vệ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý, điều hành của Chính phủ mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp; sự chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ huy trực tiếp của chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương”. Vậy, chủ thể ra mệnh lệnh là người chỉ huy hoặc cấp trên đối với lực lượng dân quân tự vệ là cấp nào và chủ thể đó thuộc cơ quan hành chính địa phương hay cơ quan ngành dọc của Bộ Quốc phòng?

Nguồn trích dẫn: Phạm Thị Hồng Đào (www.moj.gov.vn)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].